Đề xuất áp dụng thuế chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu, hạn chế tình trạng “đầu cơ”
27/11/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh
Đánh thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
Trong dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đã nêu ra một số nội dung đáng chú ý liên quan tới mức thuế suất đối với phần thu nhập được hưởng sau khi chuyển nhượng bất động sản.
Cụ thể, Bộ cho biết, hiện nay thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam chưa phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản của người chuyển nhượng.
Để hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ bất động sản, các quốc gia trên thế giới đã sử dụng công cụ thuế để tăng chi phí đối với hành vi đồng cơ và giảm sức hấp dẫn của hành vi này trong nền kinh tế bằng cách đánh vào thuế thu nhập cá nhân.
Xem xét áp dụng thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản
Bên cạnh đó, nhiều nước còn áp dụng thuế với các lợi nhuận thu được từ hoạt động giao dịch bất động sản theo tần suất giao dịch, thời gian mua bán sản phẩm. Thời gian càng ngắn, tần suất dày đặc thì thuế càng cao và ngược lại.
Trong báo cáo của Bộ Tài chính đã lấy minh chứng như tại Singapore, đất được mua đi bán lại trong vòng 1 năm bị đánh thuế lên tới 100%; năm thứ hai là 50%, năm thứ ba là 25%.
Hay như tại Đài Loan (Trung Quốc), giao dịch bất động sản thực hiện trong hai năm đầu tiên bị áp mức thuế suất lên tới 45%, từ 2 - 5 năm tiếp theo là 35% và từ 5 - 10 năm là 20%. Kể từ sau 10 năm trở đi thì mức thuế suất mới là 15%.
Chính vì vậy, Bộ cho rằng, để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, “thổi” phồng bong bóng bất động sản thì có thể thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của các nước kể trên.
Mức thuế cụ thể đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản
Về mức thuế suất cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và xác định sao cho phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản Việt Nam.
Đồng thời, việc áp dụng chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với thời gian mà cá nhân đó nắm giữ bất động sản cũng cần phải đồng bộ, hoàn thiện để phù hợp với các chính sách liên quan đến đất đai, nhà ở.
Việc áp thuế cũng cần xem xét cả mức độ sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký đất đai hay bất động sản.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho biết, Bộ đang nghiên cứu đề xuất chính sách thuế với các trường hợp sở hữu hoặc sử dụng nhiều nhà đất để hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ, “lướt sóng” kiếm chênh lệch.
Cần phải nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng thị trường trước khi đưa ra mức thuế áp dụng
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc chung cư và nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Theo đại diện của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có chế tài để kiểm soát cũng như ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, găm đất nhằm đẩy giá bất động sản.
Trong bối cảnh, tình trạng mua bán, sang tay không được kiểm soát chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng “sốt đất” tại các địa phương hiện nay.
Theo đề xuất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chính sách thuế bất động sản cần được áp dụng cho hai đối tượng, bao gồm: người mua từ căn nhà thứ hai trở lên và các chủ sở hữu nhưng lại “hoang hóa” các dự án.
Mức thuế được đề xuất sẽ tăng dần với những giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu bất động sản ngắn hạn.
Ngoài ra, VARS cũng đề xuất thêm, trong trường hợp chủ sở hữu đã nhận được đất nhưng lại không thực hiện đầu tư xây dựng thì sẽ phải chịu thuế bỏ hoang bất động sản. Đây là một trong những chính sách mà các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc đang thực hiện.
Hiện nay, mức thuế đang được áp dụng tại Hàn Quốc là 5% và tăng dần theo số năm mà sản phẩm bị bỏ hoang.
Phối hợp giải quyết tình trạng đầu cơ bất động sản cùng với các Bộ, ban ngành liên quan, Quốc hội giao Chính phủ sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
Việc này nhằm bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.