Chung cư có giá cao nhất lên đến 500 triệu đồng/m2 - Mức giá “phi lý” khiến nhiều chuyên gia e ngại
29/11/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh
Tầm quan trọng của thị trường bất động sản Việt Nam
Các chuyên gia cho biết, đặc thù của thị trường bất động sản Việt Nam đó chính là có dân số đông, gần 101 triệu người, mô hình chuyển đổi từ quốc gia nông nghiệp sang quốc gia công nghiệp khiến cho nhu cầu đô thị hóa cũng lớn hơn.
Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, khu vực thành thị sẽ tiếp nhận thêm khoảng 20 triệu dân di cư từ khu vực nông thôn. Điều này kéo theo nhu cầu nhà ở tại các đô thị cũng tăng lên, khiến bài toán an cư của người dân vốn đã khó giải quyết nay lại càng thêm rối ren.
Nhu cầu nhà ở ngày càng lớn tại các đô thị
Hiện nay, thị trường bất động sản đang đóng góp 17% GDP cho cả nước. Không những vậy, bất động sản là một trong những lĩnh vực có sự liên quan đến các ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế tổng hợp.
Thực tế, phát triển bất động sản phải gắn liền với phát triển kinh tế, phát triển đô thị. Chính vì tầm quan trọng của bất động sản nên Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thị trường bất động sản có thể phát triển bền vững.
Các điểm nghẽn pháp lý cần tháo gỡ
Một điểm nổi bật khác đó chính là sắp tới, Quốc hội sẽ bấm nút nhất trí thông qua Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc giúp cho loại hình đất khác được chuyển đổi thành đất ở thương mại. Đây là một trong những điểm nghẽn đầu tiên của thị trường.
Theo các chuyên gia, nhằm thực hiện những mục tiêu mà thị trường đề ra, cần giải quyết rõ ràng vấn đề liên quan đến hai chủ thể chính đó là người mua và người bán. Nếu như để xảy ra sự mất cân bằng giữa hai yếu tố này sẽ khiến cho thị trường khó có thể phát triển bền vững.
Đồng tình với nhiều ý kiến được đưa ra trước đó, đại diện Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho rằng, mỗi đơn vị cần tính toán và cân đối để đưa ra mức giá bán phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân.
Các cơ quan chức năng cũng cần điều chỉnh giá thị trường từ chính sách thuế. Và để có thể tháo gỡ được vấn đề này thì việc định giá đất cụ thể là điều không thể thiếu. Đây được đánh giá là một trong những điểm nghẽn thứ hai cần được tháo gỡ.
Khơi thông điểm nghẽn để tạo động lực phát triển cho thị trường
Trên thực tế, nhiều dự án đã hoàn thiện xong nhưng về không có định giá đất nên không thể nào bán được. Trong khi đó, có những khu vực giá đất ở hai thời điểm khác nhau, cách 6 tháng đã tăng lên gần như gấp đôi.
Thời gian vừa qua, không chỉ người mua mà các chuyên gia rất “sốc” khi tại thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện dự án có mức giá lên tới 493 triệu đồng/m2. Chuyên gia khẳng định, đây là mức giá phi lý nhưng lại dựa vào yếu tố rất “chính đáng” đó là định giá đất tăng cao.
Trong công thức tính giá thành hoàn thiện của sản phẩm bất động sản hiện nay thì giá đất đang chiếm tới 40% trên tổng số các chi phí cấu thành. Nhìn chung, giá bất động sản Việt Nam đang cao hơn so với các nước trong khu vực.
Chuyên gia nhận định rằng, giá chung cư tăng nhanh thời gian qua là do cơ cấu từ giá đất. Đây là một trong những bài toán cần Chính phủ và các cơ quan Nhà nước quan tâm, tìm kiếm biện pháp tháo gỡ.
Thị trường cần được thúc đẩy từ góc độ của người dân có nhu cầu để quản lý giá bán nhà. Bên cạnh đó, do thị trường đang ở giai đoạn chuyển giao vì vậy rất nhạy cảm trước các yếu tố ảnh hưởng dù là tích cực hay tiêu cực đến từ các chủ thể tham gia thị trường.
Sự tăng trưởng nhẹ ở một số phân khúc sản phẩm giúp thị trường có bước đà phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh các yếu tố hỗ trợ như: chính sách, hạ tầng và tài chính được đáp ứng. Thế nhưng nếu không can thiệp tới việc tăng giá bất động sản sẽ rất dễ dàng dẫn tới nhiều hệ lụy cho thị trường và cả xã hội.
Tóm lại, để giải quyết sớm được tình trạng này, Nhà nước cần sớm triển khai các biện pháp hỗ trợ nhằm “mở đường” cho dự án nhà ở thương mại bình dân, nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang “nằm đắp chiếu” cũng cần được hồi sinh bằng những chính sách hồi phục thiết thực, hiệu quả.