Chủ đất dừng bán, “cò” đất cũng “tàng hình” sau phiên đấu giá đất ven Hà Nội

28/08/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh

“Cò” biến mất sau những phiên đấu giá “nảy lửa”

Hai phiên đấu giá đất vừa qua tại hai huyện Hoài Đức và Thanh Oai (Hà Nội) đã khiến nhiều người phải choáng váng và “ngã ngửa”. Mức cao nhất trúng giá tại hai địa phương lần lượt là 133.3 triệu đồng/m2 và 100.5 triệu đồng/m2. Con số được chuyên gia đánh giá là “cao chót vót” so với các khu vực khác. 

Đặc biệt, ngay sau phiên đấu giá, môi giới đã bày bàn ghế ngay tại khu đất để chào mời khách mua đất với giá chênh lên hàng trăm tỷ đồng. 

Một nhà đầu tư tại Ba Vì cho hay, nhóm chị tham gia đấu giá vào ngày 19/8 tại huyện Hoài Đức với 17 lô đất nền. Dù chỉ trúng được 3/17 lô với mức giá từ 91.3 triệu đồng/m2 đến 121.3 triệu đồng/m2 nhưng ngay sau đó, nhóm nhà đầu tư này đã rao bán cả ba lô đất với mức giá chênh khoảng 600 triệu.

Hay phiên đấu giá đất 68 lô vào ngày 10/8 vừa qua tại huyện Thanh Oai được các chuyên gia đánh giá là có mức trúng kỷ lục thì vừa hết phiên, nhóm nhà đầu tư trúng đã lập tức rao bán chênh ngay từ 300 - 500 triệu đồng.

Nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong các phiên đấu giá đất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền  chẩn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. 

Tại các khu đấu giá tại thôn Thanh Thần (huyện Thanh Oai) và thôn Lòng Khúc(huyện Hoài Đức) sau một ngày “nóng sốt”, hiện nay đã không còn thấy bóng dáng của các đối tượng môi giới đặt bàn tư vấn mua bán đất đấu giá.

Chỉ còn lại những tấm biển quảng cáo nằm “trơ trọi” giữa vùng đất trống xơ xác. “Cò” đất xác nhận, người trúng đã ngừng rao bán với mức giá chênh lệch. 

Chủ đất dừng bán,

Chủ đất dừng bán, "cò" cũng mất hình

Môi giới tại các khu vực trên xác nhận, sau phiên đấu giá, nhiều nhà đầu tư đã rao bán chênh tới vài trăm triệu một lô. Nhiều mặt hàng đã có thể chuyển nhượng ngay. Tuy nhiên, hiện nay thì chủ đất đa phần đều đã dừng hoạt động rao bán, không còn tình trạng ngồi chờ khách để tư vấn.

Tại huyện Thanh Oai thì tình cảnh cũng diễn ra tương tự như vậy. Người đấu giá thành công rao bán lại mỗi lô đất chênh từ 300 triệu - 600 triệu đồng. Thế nhưng, một ngày sau đó, giá rao bán lại giảm 100 triệu - 300 triệu/lô tùy vị trí và diện tích. 

Trước mấy ngày tổ chức phiên đấu giá, “cò” đất đã sẵn sàng tới mức bày bàn ghế tại điểm tư vấn giao dịch đất nền. Thế nhưng đến nay, khi Chính phủ và các cơ quan ban ngành có động thái vào cuộc thì lại không còn thấy hiện tượng “túm năm tụm ba” nữa.

Người dân tại địa phương cho biết, một số người trong khu vực khi tham gia đấy giá, trả cao nhất là 40 triệu đồng/m2, ngang bằng với giá thị trường. Thế nhưng lại có những người sẵn sàng trả hơn 100 triệu đồng/m2 nên mới xảy ra tình trạng, người thực sự có nhu cầu lại không thể mua được. 

Người dân địa phương cho biết, nhiều năm tới, tại huyện chưa hề có thông tin quy hoạch hạ tầng mới nên không thể hiểu những người tham gia đấu giá với mức chi phí cao như vậy nhằm mục đích gì?

Nhận định của chuyên gia về dấu hiệu bất thường của đấu giá đất

Theo chủ tích của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, việc giá đất tại những khu vực có cơ sở hạ tầng, tiện ích chưa không hề nổi bật, đồng thời sở hữu tiềm năng tăng giá trung bình “đu đỉnh” như vậy là vô cùng phi lý. 

Mức giá đất hơn 100 triệu đồng/m2 đã ngang bằng với đất nền tại các khu vực đô thị hoặc địa phương đông dân cư. Chứng tỏ, đất đấu giá tại các huyện vùng ven đang “ảo tưởng” và vượt xa giá trị thực tế. 

Đây chính là hậu quả của việc đầu cơ nhằm lũng đoạn thị trường. 

Cẩn thận với những

Cẩn thận với những "cơn sốt" đấu giá đất

Mục đích nguy hiểm hơn đó chính là tạo “cơn sốt” ảo, từ đó lợi dụng để thổi giá đất các khu vực liên quan. Nhiều “cò đất” còn bất chấp rủi ro để hợp thức hóa cách thanh toán đầy đủ theo mức giá đấu trúng.

Từ đó, các nhóm đầu cơ và “cò” sẽ “vin” vào giá ảo này để kích giá đất mà họ đang sở hữu ở các khu vực lân cận để trục lợi. Thậm chí, nhiều đối tượng còn sẵn sàng bỏ cọc đấu giá do mức cọc thấp, chỉ bằng 20% giá khởi điểm cả lô đất.

Hệ quả khôn lường của hành động này đó chính là nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, nhẹ dạ cả tin bị chôn vốn trên những khu đất bỏ hoang. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới tiền trình phục hồi và phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam. 

Ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả là việc đầu tư, lũng đoạn thị trường bất động sản sẽ tác động xấu tới sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của địa phương nói riêng, mà còn là cả nước nói chung khi dòng tiền bị “dồn ứ” tại đất đai, không thể chuyển sang đầu tư hoạt động kinh tế khác.

Chia sẻ bài viết:
0 Nhận xét