Doanh nghiệp bất động sản hết “thời tay không bắt” giặc, làm giàu nhanh
05/08/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh
Doanh nghiệp bất động sản hết thời “tay không bắt giặc”
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt nam, hiện nay trên cả nước đang có hơn 1.200 dự án sử dụng đất đai, được chờ để rà soát với tổng giá trị lên tới trên 30 tỷ USD.
Đứng trước tình hình đó, Chính phủ và Quốc hội đã sửa đổi các luật liên quan đến bất động sản để nhằm ổn định thị trường, tạo hành lang pháp lý vững chắc, khơi thông dòng vốn đầu tư.
Với lần chỉnh sửa này, Chính phủ mong muốn đồng nhất các quy định liên quan để thể chế, quyền hạn và nghĩa vụ sử dụng đất đai, hạn chế tuyệt đối tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản luật với nhau.
Một trong những quy định nổi bật, tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đó chính là đơn vị đã trúng thầu có thể bị hủy kết quả nếu như giải quyết chậm nguồn vốn liên quan đến bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân.
Quy định được nêu ra trong Khoản 8 Điều 126 Luật Đất đai năm 2024. Cụ thể là khi chủ đầu tư trúng thầu hoặc các tổ chức kinh tế do nhà đầu tư trúng thầu thành lập mà không đáp ứng đủ vốn trong vòng 6 tháng kể từ khi nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bồi thường của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị hủy kết quả đấu thầu.
Điều này góp phần thúc đẩy trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc đảm bảo năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện dự án.
Doanh nghiệp bất động sản cần phải hoàn thiện cả về tài chính và năng lực xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan tới dự án
Các chuyên gia đánh giá rằng đây là bước sàng lọc để thị trường giữ lại những đơn vị chất lượng cho “cuộc chơi”. Doanh nghiệp không đủ năng lực hoặc quá yếu sẽ buộc phải hợp nhất lại với nhau, “xóa bỏ” các dự án nhỏ lẻ trên sàn đấu bất động sản.
Chuyên gia khẳng định, doanh nghiệp địa ốc hiện nay không thể nào “tay không bắt giặc”, giàu lên nhanh chóng được nữa.
Quy định trên còn được đánh giá là một trong những “phép thử” để sàng lọc cả nhà đầu tư và khách hàng. Họ phải có nhu cầu thật thì mới tham gia được thị trường, hiện tượng “đón sóng”, “đánh sóng” ảo, lãi ảo sẽ không xuất hiện kể từ sau ngày 1/8.
Doanh nghiệp bất động sản nhỏ và vừa vẫn còn cơ hội
Trước tình hình với những diễn biến mới như vậy, nhiều chủ đầu tư cho rằng Luật mới có tác động tới các doanh nghiệp bất động sản nhưng vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ nguồn lực về đầu tư dự án.
Các chuyên gia ví von rằng, việc này cũng giống như trong môn thể thao bóng đá, không có luật nào quy định có lợi hoặc có hại cho các cầu thủ tham gia. Luật được đưa ra để xác định ranh giới, giúp các chủ đầu tư “bám” vào đó để thực hiện phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Trên thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam trải dài từ bắc vào nam. Và ở tỉnh thành nào cũng đều có các nhà đầu tư lớn, nhỏ khác nhau, hướng tới phân khúc khách hàng riêng biệt.
Vì vậy, cơ hội phát triển cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là vẫn còn. Nhiều đơn vị đã thành công khi triển khai dự án nhà ở xã hội tại các tỉnh miền núi hoặc khai thác thị phần tại các tỉnh, thành phố mà những “ông lớn” chưa quan tâm tới.
Cơ hội sinh lời chia đều cho các doanh nghiệp biết khai thác đúng phân khúc và thị trường phù hợp với năng lực của mình
Nhìn rộng ra, doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ do không có lợi thế nguồn lực nên không thể cạnh tranh tại thị trường lớn: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,... Thế nhưng ngược lại, ở thị trường vùng ven, các khu vực mới thì đây lại là “mỏ vàng” mà chủ doanh nghiệp có thể tận dụng và khai thác thuận lợi.
Đầu tư bất động sản cũng giống như việc trồng cây. Ngoài việc có giống tốt, sở hữu tiềm lực tài chính mạnh thì doanh nghiệp cần lựa chọn loại đất phù hợp với cây trồng đó. Tương tự thì việc lựa chọn thị phần, khu vực phù hợp với phân khúc mà đơn vị phát triển sẽ quyết định trực tiếp tới chất lượng, tiến độ và sự sống còn của dự án.
Hãy tiếp tục cùng SGO Land cập nhật những tin tức mới nhất liên quan tới thị trường bất động sản Việt Nam để có cái nhìn tổng quan, khái quát nhất về lĩnh vực này bạn nhé!