Đấu giá đất Hà Nội “hạ nhiệt” nhưng vẫn có mức giá lên tới hơn 100 triệu đồng/m2

06/11/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh

Kết quả đấu giá đất Hà Nội

Vừa qua, vào ngày 4/11, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện vừa phối hợp với Công ty đấu giá, tổ chức đấu giá thành công hơn 20 thửa đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Thực tế, 20 thửa đất này sẽ được đấu giá vào ngày 26/8 những phải tạm dừng để cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, rà soát theo công điện của Thủ tướng Chính phủ. 

Đây là động thái nhằm kịp thời chấn chỉnh những sai sót, điểm không minh bạch trong các phiên đấu giá, hạn chế tình trạng “đầu cơ”, “thổi giá”.

Phiên đấu diễn ra vào ngày 4/11 vừa qua chỉ có hơn 100 khách hàng. Trong đó, số liệu ghi nhận ngày 19/8 đã làm “chao đảo” giới đầu tư thủ đô với hơn 400 người đăng ký, 700 hồ sơ được mua với số lượng thửa là 19.

Theo ghi nhận, vào phiên đấu giá đất ngày 4/11, bên ngoài địa điểm tổ chức khá vắng vẻ, không có nhiều nhà đầu tư tụ tập bên ngoài như những phiên trước. Ở khu vực thực địa cũng như những khu vực lân cận đã vắng bóng cảnh nhân viên môi giới chào bán các suất bán đất trúng đấu giá.

Về mức giá, giá khởi điểm được giữ nguyên như đợt đấu giá trước đó, khoảng 7.3 triệu đồng/m2. Phương thức đấu giá đất quy định phải trải qua 6 vòng, mỗi vòng có mức chênh lệch tối thiểu là 6 triệu đồng.

Cuối cùng, phiên đấu kết thúc với con số cao nhất là 103.3 triệu đồng/m2, tăng gấp 14 lần so với giá khởi điểm. Thửa có mức trúng thấp nhất là 83.5 triệu đồng/m2, tăng gấp 12 lần so với giá khởi điểm.

Nếu so với kết quả vào phiên ngày 19/8, khi thửa đất trúng đấu giá có mức giá cao nhất là hơn 133 triệu đồng thì phiên đấu lần này đã “hạ nhiệt” cả về số lượng người tham gia cũng như mức trúng đấu giá.

Những phiên đấu giá đất

Những phiên đấu giá đất "nảy lửa" tại Hà Nội

Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia thì dù đã hạ nhưng giá trúng đấu giá tại huyện Hoài Đức và các quận, huyện khác: Hà Đông, Thường Tín, Phúc Thọ,...vẫn cao hơn mặt bằng chung rất nhiều. 

Nguyên nhân được chỉ ra khiến cho số người tham gia đấu giá đất lần này giảm là do tình hình giao dịch của các lô đất trước đó không thuận lợi và khả quan. Kết hợp cùng với những biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng “đầu cơ”, “thổi giá” làm lũng đoạn thị trường bất động sản.

Điều này giúp các nhà đầu tư phần nào yên tâm hơn với giao dịch đầu tư của mình.

Những giải pháp để ổn định thị trường bất động sản

Dự kiến tiếp tục vào ngày 11/11, huyện Hoài Đức sẽ tổ chức đấu giá thêm 32 thửa đất, cũng tại vị trí đã được đấu giá đất vào ngày 4/11. Diện tích của các lô đất dao động trong mức từ 97m2 đến 172m2. Tiền cọc đặt trước là từ 142 triệu đồng - 251 triệu đồng. Mức giá khởi điểm giữ nguyên, chỉ khoảng 7.3 triệu đồng.

Dòng sản phẩm đất nền ngày càng có sức hấp dẫn với nhà đầu tư bởi thị trường đang thiếu nguồn cung mới mặt hàng này. Đồng thời, với những quy định về việc cấm phân lô, bán nền trong Luật Kinh doanh bất động sản 2023, nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại Hà Nội lên 50m2 thì mặt hàng này càng trở nên “hot” hơn.

Tuy nhiên, chính những phiên đấu giá đất này lại khiến cho tài sản đất đai tập trung quá nhiều vào tay nhóm “đầu cơ”, dẫn tới xung đột mạnh mẽ với bộ phận lớn người dân lao động có nhu cầu ở thực nhưng nguồn tài chính hạn hẹp.

Nguyên nhân tăng giá của bất động sản được chỉ ra là do tác động của nhiều yếu tố khác trong, trong đó chi phí tăng liên quan đến đất đai đóng vai trò chủ đạo. Nếu nhìn nhận thị trường kỹ lưỡng, người mua và nhà đầu tư sẽ thấy, các căn hộ chung cư bình dân có mức giá dưới 25 triệu/m2 đã hoàn toàn vắng bóng trên thị trường. 

Căn hộ trung cấp có giá từ 25 triệu - 50 triệu đồng/m2 thường được khách hàng yêu thích, lựa chọn giao dịch, chiếm tỷ trọng và nguồn cung lớn trên thị trường. Nguồn cung còn lại chính là những căn hộ cao cấp, có giá trên 50 triệu đồng/m2.

Giải pháp ổn định thị trường bất động sản

Để ổn định thị trường bất động sản cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác nhau

Tương tự, đối với các sản phẩm như biệt thự, nhà liền kề thuộc các dự án vẫn tiếp tục tăng. Đa phần đều có lợi thế về vị trí, cơ sở hạ tầng nên mức giá chào bán tương đối cao.

Theo thống kê, chỉ riêng trong quý III năm 2024, giá bán trung bình thứ cấp của sản phẩm nhà liền thổ tại Hà Nội đạt trung bình khoảng 160 triệu đồng/m2, tăng 3% theo quý và 7% theo từng năm. 

Chẳng hạn như các dự án tại Đông Anh và Long Biên có mức tăng thứ cấp tăng cao, khoảng 5% theo từng quý.

Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Nhà ở 2023. Bên cạnh đó, các địa phương cũng gấp rút hoàn thiện văn bản hướng dẫn chi tiết theo thẩm quyền của mình. 

Về phía thành phố Hà Nội, chính quyền thủ đô đã mạnh mẽ, chủ động đưa ra những giải pháp để ổn định thị trường bất động sản.

Cụ thể, giai đoạn 2026 - 2030 sẽ là lúc các cơ quan chức năng chủ động rà soát lại quỹ đất, tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan tới thủ tục đầu tư, thu hồi đất và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, phân bổ và bố trí vốn linh hoạt,...

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ sớm tăng cường, triển khai và đầu tư xây dựng những căn hộ chung cư phù hợp với thu nhập của người dân. Chính quyền địa phương yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ hệ thống giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Từ đó, tạo môi trường đấu giá đất công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu an cư lạc nghiệp của nhiều người dân, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. 

Chia sẻ bài viết:
0 Nhận xét