Hà Nội: Có thể bán đấu giá nhà ở tái định cư “bỏ hoang”

06/09/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh

Hàng nghìn căn hộ tái định cư "đắp chiếu"

Trái ngược với tình trạng nhiều người “chật vật” tìm mua nhà vì nhiều nguyên nhân khác nhau thì hàng ngàn căn hộ thuộc các dự án tái định cư trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội lại đang bị bỏ hoang, “nằm đắp chiếu”.

Ví dụ như một dự án nhà ở tái định cư nằm trên đường Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai), bao gồm 2 tòa nhà cao 15 tầng với gần 200 căn hộ, đều đã xây xong phần thô nhưng bỏ hoang, không có bóng dáng cư dân.

Một dự án khác tại Đền Lừ (quận Hoàng Mai) dù hoàn thiện từ năm 2017 nhưng đến nay ba tòa nhà ở tái định cư vẫn "đắp chiếu" chưa được đưa vào sử dụng. Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian, nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp rõ ràng.

Tại quận Cầu Giấy tình trạng cũng không khá hơn, dự án N01 - D17 nằm tại số 1 Duy Tân với mức đầu tư “khủng” 223 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành năm 2013. Đến nay, sau 11 năm hoàn thiện phần thô, các căn hộ ở đây vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Nhà tái định cư bỏ hoang tại Hà Nội

Hàng nghìn căn hộ bỏ hoang gây lãng phí và thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Theo thống kê của sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 9 dự án nhà ở tái định cư với 2.500 căn hộ. Chi tiết trong đó, bao gồm:

2 dự án xây dựng nhà ở TĐC tại ô đất NO15,16 phường Thượng Thanh (quận Long Biên) và dự án xây dựng nhà B,C khu tái định cư phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) phục vụ giải phóng mặt bằng công viên Tuổi trẻ Thủ đô, đã hoàn thành nghiệm thu, chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bố trí tái định cư.

7 dự án đang thi công xây dựng như:

- Dự án khu nhà ở di dân GPMB tại ô đất CT4 khu TĐC tập trung Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm);

- Dự án xây dựng nhà ở GPMB tại nhà N01 lô đất D17 tại khu đô thị mới Cầu Giấy;

- Dự án xây dựng nhà ở GPMB ô đất ký hiệu B10/ODK3, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai);

- Dự án xây dựng nhà ở cao tầng thuộc khu đô thị Đền Lừ III (nhà CT1, CT2, CT3) quận Hoàng Mai;

- Dự án xây dựng khu nhà ở TĐC phường Xuân La, quận Tây Hồ (nhà B); dự án xây dựng nhà CT1, CT2, khu TĐC Xuân La;

- Dự án xây dựng nhà A,B,C,D khu tái định cư tại phường Trần Phú.

100% quỹ nhà tại các dự án tái định cư này đã được thành phố bố trí, sắp xếp, phục vụ cho những dự án khác cần hoạt động giải phóng mặt bằng trên địa bàn Hà Nội, ưu tiên những dự án trọng điểm.

Đề xuất phương án đấu giá nhà ở tái định cư thừa

Đề xuất một số giải pháp hạn chế lãng phí quỹ nhà TĐC

Đề xuất một số giải pháp hạn chế lãng phí quỹ nhà TĐC

Hiện nay, một số dự án tái định cư chưa được nghiệm thu hoặc đưa vào sử dụng là do còn vướng phải một số tồn tại, khó khăn về pháp lý cũng như việc thu hút dân cư.

Đa số các căn hộ đều đã được bố trí cho dự án được giải phóng mặt bằng để công khai lập phương án và phê duyệt bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên, đa phần tiến độ dự án đều bị chậm hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị, điều tra, khảo sát nên chủ đầu tư chưa thể trình lên UBND thành phố quyết định bán nhà kinh doanh. 

Các dự án đều được thiết kế thi công theo quy chuẩn, mẫu thiết kế trước đây nên khi thay đổi về quy định phòng cháy chữa cháy thì đa phần đều chưa đủ điều kiện để nghiệm thu. 

Hay như vào giai đoạn xảy ra Covid 19, một số dự án có quyết định thành lập cơ sở cách ly và điều trị cho người bệnh thì chủ đầu tư đã nhanh chóng hoàn thiện hạng mục công trình để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Tuy nhiên đến nay, các công trình này chưa được bàn giao lại cho chủ đầu tư để hoàn thiện nốt các hạng mục còn lại, nghiệm thu và đưa vào hoạt động. 

Một số giải pháp để có thể sớm đưa các dự án nhà ở tái định cư vào hoạt động và khai thác hiệu quả, bao gồm:

Một là, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền khẩn trương phối hợp với các sở, ban ngành và đơn vị liên quan để khai thác thủ tục điều chỉnh dự án, bố trí vốn và tiếp nhận bàn giao sau khi sử dụng cơ sở thu dung điều trị Covid 19,... để hoàn thành quá trình thi công xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng chậm nhất trong quý IV năm nay.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền hỗ trợ để tự lo tái định cư tại các dự án giải phóng mặt bằng trên địa phương. Khoản tiền hỗ trợ được dùng để lo chỗ ở tạm thời trong thời gian thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thay cho việc thành phố phải bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân.

Ba là, đáng chú ý nhất với những quỹ nhà ở tái định cư. Nếu sau khu chủ đầu tư bố trí căn hộ cho người bị thu đất mà vẫn dư thừa căn hộ không sử dụng thì đề xuất phương án tổ chức bán đấu giá để thu hồi vốn.

Mong rằng, với những giải pháp trên thì tình trạng “lãng phí” nhà ở tái định cư sẽ được khắc phục, đáp ứng nhu cầu “an cư lập nghiệp” của người dân. 

Chia sẻ bài viết:
0 Nhận xét