Người bán tự tin rao bán đất nền Đông Anh "giá rẻ" gần 200 triệu đồng/m2

21/09/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh

Giá bất động sản tại Đông Anh

Nhờ sức nóng của các dự án đang được triển khai mà Đông Anh bỗng trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản phía Bắc, đặc biệt nhiều sản phẩm có mức giá từ 300 triệu đồng/m2 trở lên. 

Sức nóng của các sản phẩm cao cấp cũng đang dần nhanh chóng lan sang các bất động sản lân cận. 

Cụ thể, xã Xuân Canh đang chứng kiến mức tăng giá đất mạnh mẽ nhất. Cụ thể, đất mặt đường Xuân Canh hiện được giao dịch ở mức 120-140 triệu đồng/m2, trong khi đất trong ngõ có giá khoảng 80-97 triệu đồng/m2. Chỉ trong vài tháng qua, giá đất tại đây đã tăng gấp đôi so với mức 60-65 triệu đồng/m2 trước đó.

Đặc biệt thu hút sự chú ý là một lô đất góc có diện tích gần 130m², mặt tiền rộng 8m tại xã Xuân Canh. Lô đất này đang được chào bán với mức giá khá hấp dẫn, 197 triệu đồng/m². Điều đáng chú ý là lô đất này nằm sát vách dự án, có view nhìn thẳng ra cầu Tứ Liên trong tương lai và gần sông Hồng, hứa hẹn sẽ mang đến một không gian sống đẳng cấp.

Giá đất nền tại Đông Anh lên tới 300 triệu đồng/m2

Chủ nhà cho biết, so với giá dự kiến 300 triệu đồng/m² của các dự án trong khu vực, mức giá 197 triệu đồng/m² mà ông đưa ra cho mảnh đất này là vô cùng hấp dẫn.

Theo chia sẻ của một người dân địa phương, thị trường đất nền Xuân Canh đã trải qua những biến động mạnh mẽ trong những năm gần đây. Cụ thể, vào năm 2021 - 2022, khi Hà Nội công bố quy hoạch Đông Anh lên quận, quy hoạch sông Hồng và xây dựng cầu Tứ Liên, giá đất tại đây đã tăng chóng mặt. 

Nhiều nhà đầu tư đổ xô đến với kỳ vọng giao thông thuận lợi sau khi cầu Tứ Liên hoàn thành, giúp việc di chuyển đến Hồ Tây trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thị trường sau đó lại nguội lạnh.

Đến nửa đầu năm 2024, giới đầu tư mới bắt đầu quay trở lại tìm kiếm cơ hội.

Cùng với xã Xuân Canh, các xã Đông Hội và Mai Lâm cũng chứng kiến mức tăng giá đất đáng kể, đặc biệt là những khu vực gần dự án Vinhomes Cổ Loa vừa khởi công.

Tại thôn Trung Thôn, xã Đông Hội, đất 2 mặt tiền sát vách dự án đã tăng từ 130-150 triệu đồng/m² lên mức 230-240 triệu đồng/m² chỉ trong thời gian ngắn. Ở xã Mai Lâm, khu đất dịch vụ Lê Xá cũng ghi nhận mức tăng cao, lên tới 135-150 triệu đồng/m².

Không chỉ riêng khu vực xung quanh dự án Vinhomes Cổ Loa, mà các xã lân cận dự án Thành phố thông minh của BRG cũng đang chứng kiến mức tăng giá đất đáng kể.

Tại xã Vĩnh Ngọc, giá đất trong ngõ sâu đã tăng từ 60 triệu đồng/m² lên 80 triệu đồng/m² chỉ trong thời gian ngắn. Đối với đất mặt tiền rộng ở Phương Trạch, mức giá hiện tại đã đạt 190-210 triệu đồng/m², trong khi đất mặt tiền 4m cũng tăng lên mức 140-160 triệu đồng/m².

Cùng với đó là hiện tượng hàng loạt nhà môi giới và đầu tư đổ về chỉ để khảo sát và tìm hiểu khiến người dân ngày càng có tâm lý e ngại, muốn giữ đất lâu hơn nữa vì bán sớm sợ hớ.

Nhận định của chuyên gia trước giá bất động sản Đông Anh

Tình hình bất động sản Đông Anh

Cuộc đổ bộ bất động sản Đông Anh liệu có thành cơn "sốt"?

Trước tình hình diễn biến như vậy, chuyên gia nhận định rằng nếu như huyện Đông Anh xây xong cầu Tứ Liên nối sang Hồ Tây thì sẽ là lợi thế cho các khu vực xung quanh. Hạ tầng hoàn chỉnh, hệ thống giao thông hiện đại thì giá bất động sản tăng cao là điều hợp lý, không có gì lạ. 

Theo dữ liệu, trong 6 tháng đầu năm 2024, giá bán đất nền tại huyện Đông Anh tăng mạnh nhất, khoảng 24%. Bên cạnh đó các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất và Gia Lâm với tỷ lệ lần lượt là 20%, 19%, 13% và 4%. 

Mức độ quan tâm đất nền tại Đông Anh tăng rất mạnh, hơn 104% trong khi con số này ở Quốc Oai là 101%, Gia Lâm là 95% và Hoài Đức là 79%, Thạch Thất là 48%.

Nói tóm lại, có thể thấy, các huyện ngoại thành dù chưa lên quận nhưng chỉ cần có thông tin quy hoạch, cùng với sự xuất hiện của những đại dự án đã khiến cho đất nền, đặc biệt là tại Đông Anh tăng giá nhanh như vũ bão. 

Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến cáo với khách hàng rằng, người mua cần thận trọng, tìm hiểu kỹ lưỡng về thông tin sản phẩm, tránh rủi ro dẫn tới phải chôn vốn nhiều năm liền. 

Theo chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường hiện nay khá nhạy cảm với những thông tin quy hoạch, phần bởi vì đa phần thông tin thường chưa được công khai, minh bạch.

Giới chuyên gia cho rằng, các thông tin quy hoạch quan trọng thường được tiết lộ “kín” bằng cách “rỉ tai” nhau. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng người dân nháo nhào, đổ xô đi thu gom mua bất động sản tràn lan trước quy hoạch.

Mặc dù là thông tin chưa xác thực nhưng nó cũng khiến cho thị trường bất động sản có thời điểm “sốt” thật. Hiện tượng giao dịch mua bán, chuyển nhượng diễn ra khá sôi động, chính điều này càng làm cho giá bất động sản không ngừng tăng. 

Hiệu ứng dây chuyền xuất hiện, nhà đầu tư sẵn sàng “lao vào” đầu tư mà không cần cân nhắc hay tính toán kỹ lưỡng. Thế nhưng khi giá sản phẩm vượt quá xa giá trị tương xứng, nhà đầu tư chắc chắn sẽ bị chôn vốn, không thể thoát hàng.

Hệ lụy lớn nhất không thể không kể tới đó chính là đất chưa đến tay người có nhu cầu thực thì mức giá đã vượt quá khả năng chi trả của họ.

Các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, mỗi đợt “sốt” đi qua, thị trường bất động sản tại khu vực đó sẽ cần một thời gian dài mới có thể vượt qua được giai đoạn đóng băng. Chính vì vậy, nếu nhà đầu tư sử dụng vốn vay để đầu tư sẽ rất áp lực, thậm chí là sẽ bị “mất trắng” nếu như lựa chọn thời điểm “đón sóng” đầu tư không chính xác. 

Chia sẻ bài viết:
0 Nhận xét