Cảnh báo: Tình trạng "phá" đấu giá đất, làm lũng đoạn thị trường bất động sản

07/12/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh

Thủ đoạn “tinh vi” của các đối tượng tham gia đấu giá

Thời gian vừa qua, trên thị trường xuất hiện tình trạng một số cá nhân, hội nhóm tham gia đấu giá đất rồi trả giá rất cao rồi dừng lại hoặc khi bỏ cọc khi thành công khiến các phiên đấu không đạt được mục tiêu ban đầu.

Mới đây nhất là các phiên đấu giá tại hai huyện Thanh Oai và Sóc Sơn (Hà Nội) vào cuối tháng 11/2024. 

Chính từ những thực trạng trên, dư luận đã đặt ra câu hỏi về động cơ, mục đích của các đối tượng tham gia. Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền phải “đau đầu” tìm kiếm giải pháp để xử lý triệt để vấn đề này.

Xét theo góc độ chủ quan thì đây là hành vi cố ý, có chủ đích và kế hoạch rõ ràng, được lên kế hoạch từ đầu của các đối tượng tham gia đấu giá. Và đương nhiên, phải có lợi ích thì cá nhân hoặc nhóm người đầu tư này mới hành động trắng trợn như vậy.

Trên thực tế, nếu là người mua có nhu cầu thực thì chắc chắn không ai ngẫu nhiên chấp nhận mất tiền đặt cọc như vậy.

Sau các phiên đấu giá, hiện nay nhiều khu vực đã xảy ra tình trạng sốt đất ảo, giá đất tăng phi mã. Bằng nhiều hành vi, thủ đoạn, các đối tượng đã “lèo lái” giá đất cao bất thường để trục lợi cho bản thân. 

Các đối tượng trong vụ việc đấu giá đất lên đến hơn 30 tỷ đồng/m2

Chân dung các đối tượng trong vụ việc đấu giá đất lên đến hơn 30 tỷ đồng/m2

Khi thị trường trở nên “hỗn loạn” thì người dân sẽ có nhu cầu mua đất với giá trị thực sẽ không thể tiếp cận được sản phẩm hoặc phải chấp nhận bỏ ra số tiền cao hơn với các đối tượng “cò đất”.

Trong lịch sử đấu giá đã có không ít vụ việc bỏ cọc đấu giá đất nhưng không có chế tài để xử lý hình sự nên khiến cho các đối tượng ngày càng trở nên lộng hành hơn.

Về phía pháp luật, nếu không chứng minh được hành vi lập khống hồ sơ hay thông đồng, dìm/ nâng giá đất thì sẽ rất khó để quy trách nhiệm hình sự và khởi kiện các đối tượng. Quy định hiện tại mới đang chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính (theo Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP) nhưng cũng không đủ sức răn đe với con số từ 7 - 10 triệu đồng. 

Theo ý kiến của Luật sư, việc bỏ cọc đấu giá chỉ là giao dịch dân sự thông thường và người tham gia có thể chấp nhận thiệt hại do nguyên nhân liên quan đến tiềm lực tài chính hoặc không còn nhu cầu giao dịch nữa.

Hay có thể đơn giản là việc bỏ cọc, không tham gia đấu giá nữa sẽ xuất phát từ ý muốn của các cá nhân.

Tuy nhiên, nếu có sự thông đồng, liên kết, bàn bạc nhằm các mục đích không trong sáng như nâng giá/dìm giá để trục lợi bất chính thì cần xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chẳng hạn, với phiên đấu giá tại Sóc Sơn, các đối tượng đã bàn bạc trước, chỉ đồng ý mua đất với giá 30 triệu đồng/m2. Nếu ai trải giá cao hơn, các đối tượng sẽ tìm cách phá để phiên đấu không thành công.

Và thực tế, phiên đấu giá đã diễn ra không thành công do có một số đối tượng trả giá đất lên tới 30 tỷ đồng/m2 rồi sau đó lại xin rút. Vì vậy, việc xử lý hình sự với hành vi này là hợp lý.

Giải pháp để ổn định các phiên đấu giá đất

Theo các chuyên gia pháp luật, để ngăn ngừa các đối tượng xấu, lợi dụng kẽ hở pháp luật nhằm “thổi giá”, “phá nát” các phiên đấu thì cơ quan chức năng có thể xem xét một số biện pháp cụ thể như sau:

Một là, yêu cầu người tham gia phải chứng minh tài chính, nộp đầy đủ tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện theo điều khoản hợp đồng. Nếu tham gia đấu giá, người có nhu cầu chỉ được phép bỏ số tiền tương đương trong hạn mức mà mình đã ký quỹ.

Về phía đơn vị tổ chức, họ sẽ có quyền trích luôn số tiền trúng cho mỗi lần đấu giá thành công.

Hai là, ban tổ chức xem xét, nâng số tiền cọc lên mức 10% - 20% so với giá khởi điểm.

Ba là, nếu người trúng đấu giá bỏ cọc, nên quy định phạt, bồi thường thiệt hại tương ứng từ 30% - 50% giá trị, tùy theo mức độ và số lượng bỏ.

Bốn là, tiến hành lập hồ sơ, cập nhật thông tin cá nhân của các đối tượng, hội nhóm bỏ cọc hoặc có hành vi “phá” đấu giá để cấm tham gia các phiên tiếp theo.

Thay đổi cách thức đấu giá đất để chặn hành vi “phá đám”

Thay đổi cách thức đấu giá đất để chặn hành vi “phá đám” 

Thêm vào đó, các chuyên gia cũng gợi ý cơ quan tố tụng có thể bổ sung, áp dụng pháp luật theo hướng mở rộng tội danh thành “Chống người thi hành công vụ” theo điều 330 Bộ luật Hình sự. 

Bởi hành vi “phá” đấu giá đất sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan nhà nước, gây thiệt hại lớn về uy tín, kinh tế cho đơn vị khi bỏ ra chi phí tổ chức nhưng kết quả đấu giá lại không thành.

Bên cạnh đó, điều này còn tạo tiền lệ xấu về sau, gây ảnh hưởng, làm hoang mang dư luận và đặc biệt là những người mua có nhu cầu thực. 

Chia sẻ bài viết:
0 Nhận xét