SGO Group – cuộc chơi địa ốc mới của ông Vũ Kim Giang
14/10/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh
Từ sàn phân phối đến chủ đầu tư
Quý IV/2022, một “trận cuồng phong” nổi lên trên thị trường bất động sản Việt Nam, làm nghiêng ngả những đại tập đoàn, xô đổ không ít công ty tầm trung và cuốn phăng hàng loạt doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Trong cuộc khủng hoảng lớn nhất 10 năm qua đó, các đơn vị làm dịch vụ bất động sản là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hơn 80% sàn phân phối đóng cửa, hàng vạn môi giới viên thất nghiệp. Thị trường chỉ còn lại một số đơn vị giữ được hoạt động kinh doanh, điển hình như Hải Phát Land.
Không phải ngẫu nhiên Hải Phát Land trụ lại được trong “cơn bão” khủng hoảng. Doanh nghiệp có lịch sử 15 năm này là một trong những đơn vị phân phối bất động sản lớn nhất miền Bắc với thị phần lên tới 25% (đạt được vào năm 2019).
Trong giai đoạn đỉnh cao kéo dài từ 2018 đến 2022, Hải Phát Land có tới 45 chi nhánh trên toàn quốc, giỏ hàng thường xuyên duy trì hơn 100 dự án, nhân sự chính quy gần 3.000 người và lợi nhuận có năm đạt tới hàng trăm tỷ đồng.
Sự phát triển mạnh mẽ của Hải Phát Land ghi đậm dấu ấn của ông Vũ Kim Giang - thành viên sáng lập, người đã cầm quyền liên tục tại đây trong hơn 10 năm qua. Ông Giang thuộc thế hệ 8X, đã bước vào thị trường bất động sản từ năm 2008 với công việc đầu tiên là một nhân viên môi giới.
Nhờ sự nhạy bén và thêm một chút “máu liều”, ông đã mở được công ty đầu tiên vào năm 2009. Sau đó, cơ duyên đưa ông “bắt tay” với Hải Phát Invest và biến Hải Phát Land từ một đơn vị nhỏ lẻ, chỉ chuyên phân phối sản phẩm inhouse, đã mở rộng ra toàn thị trường và trở thành một thế lực lớn trên thị trường miền Bắc.
Dưới sự lãnh đạo của ông Vũ Kim Giang, Hải Phát Land không chỉ là một trong những đơn vị dẫn đầu về thị phần phân phối bất động sản mà đã phát triển hệ sinh thái dịch vụ bất động sản khá toàn diện, gồm: tư vấn phát triển, tư vấn thiết kế, phát triển kinh doanh, phân phối, đầu tư…
Chân dung chủ tịch Vũ Kim Giang
Sau những thành tựu này, ông Giang ấp ủ một kế hoạch táo bạo hơn, đó là mở rộng thêm danh mục hoạt động bên cạnh bất động sản, khát vọng hướng tới tập đoàn kinh tế đa ngành. Và đó là lý do SGO Group được ra đời.
Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, SGO Group đã có trong tay danh mục dự án đáng kể với 6 dự án đang triển khai và 20 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu, phân bổ từ miền Bắc vào miền Trung và trải rộng trên nhiều phân khúc: đất nền, nhà thấp tầng, chung cư, nghỉ dưỡng…
Đi liền với việc đẩy mạnh đầu tư bất động sản, SGO Group cũng mở rộng nhanh chóng về quy mô. Hệ sinh thái của công ty lên tới hàng chục đơn vị hoạt động theo mô hình Holding, tập trung vào 3 trụ cột: bất động sản, xây dựng và du lịch.
Ông Vũ Kim Giang tổ chức SGO Group thành hai hệ sinh thái nhỏ: đầu tư và dịch vụ bất động sản. Trong đó, hệ sinh thái đầu tư đứng đầu là SGO Group gồm các công ty đầu tư dự án, công ty xây dựng, công ty du lịch, công ty quản lý vận hành....
Hệ sinh thái dịch vụ đứng đầu là SGO Land gồm các công ty tư vấn phát triển dự án, tư vấn thiết kế, phát triển kinh doanh, phân phối, khai thác cho thuê, khai thác vận hành, truyền thông marketing, nội thất, luật…
Quân số toàn hệ thống SGO Group hiện đạt trên 1.000 người. Với tầm vóc đó, SGO Group hứa hẹn là một “ngôi sao đang lên” của thị trường bất động sản Việt Nam.
Đường còn dài
Chia sẻ về định hướng sắp tới, ông Vũ Kim Giang cho biết, SGO Group sẽ đẩy mạnh đầu tư phát triển dự án và dịch vụ bất động sản tại các tỉnh phía Bắc, tập trung vào 2 trục: Hà Nội – Bắc Giang và Hà Nội – Quảng Ninh. Đây là 2 trục kinh tế năng động, dân cư đông đúc, có tiềm năng rất lớn về bất động sản.
Mục tiêu dài hạn của SGO Group là trở thành tập đoàn đa ngành có đóng góp nổi bật cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. “Chữ S trong tên công ty là biểu tượng cho đất nước, chữ GO là tiến lên. Chúng tôi đặt tên công ty là SGO với ý nghĩa mong muốn cùng Việt Nam tiến lên, vươn ra thế giới”, ông Vũ Kim Giang bộc bạch.
Vị chủ tịch của SGO Group cũng bày tỏ sự trăn trở về sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn hiện nay. Theo ông, trải qua 30 năm, thị trường bất động sản đã có những bước tiến vượt bậc, song cũng tích lũy nhiều vấn đề là nguồn cơn cho những đợt khủng hoảng lặp lại sau mỗi 5 – 10 năm.
Trải qua giai đoạn 2022 – 2023 trầm lắng, thị trường hiện đã phục hồi, nhưng chưa đồng đều về địa bàn, phân khúc. Do đó, các doanh nghiệp bất động sản rất cần sự hỗ trợ về chính sách để vượt qua khúc quanh, tiếp tục sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Với riêng mảng dịch vụ bất động sản, ông Vũ Kim Giang cho rằng lĩnh vực này chưa có sự phát triển bền vững, do sự bất cân xứng về vị thế giữa doanh nghiệp dịch vụ và chủ đầu tư, biên lợi nhuận thấp, khó tích lũy để lớn mạnh, dễ tổn thương trước biến động của thị trường.
Ngoài ra, hành lang pháp lí bảo vệ cho doanh nghiệp dịch vụ bất động sản chưa được hoàn thiện, quy chuẩn và văn hóa ngành cũng mới ở bước đầu xây dựng.
“Đi lên từ những hoạt động nhỏ bé nhất, chúng tôi hiểu rõ nỗi nhọc nhằn của lĩnh vực dịch vụ bất động sản. Bởi vậy, bên cạnh việc trông chờ vào chuyển biến của thị trường, việc xây dựng hệ sinh thái để tạo lập nền tảng là điều hết sức quan trọng với các doanh nghiệp, để củng cố thế đứng trước những thử thách trong tương lai”, ông Giang bày tỏ.
Theo Tạp chí điện tử Đầu tư tài chính