Mục tiêu nhà ở xã hội 2024 "tan vỡ": Giấc mơ an cư của người dân vẫn còn dang dở
19/12/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh
Tình hình triển khai xây dựng nhà ở xã hội trên toàn quốc
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, ước tính đến nay, cả nước chỉ mới hoàn thành 21.000 căn nhà ở xã hội, tương đương với 16% tổng số lượng mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu được đưa ra có liên quan tới các gói vay ưu đãi, hỗ trợ nhà ở vẫn còn hạn chế. Kết quả thực hiện cho thấy kế hoạch triển khai chưa đạt được mục tiêu đề ra, với số lượng dự án và quy mô vốn còn rất khiêm tốn.
Đến nay, mới chỉ có 16 dự án được chấp thuận vay vốn, với tổng số tiền cam kết khá khiêm tốn là 4.200 tỷ đồng và dư nợ thực tế chỉ đạt 1.727 tỷ đồng. Điều này cho thấy cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy việc giải ngân gói vay và đạt được hiệu quả cao hơn.
Việc không đạt được mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm đầu tiên là điều đã được dự báo trước, bởi đây là một mục tiêu đầy tham vọng trong một kế hoạch dài hơi do Chính phủ đưa ra.
Phát triển nhà ở xã hội vẫn còn gặp nhiều vướng mắc
Mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà xã hội là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự đầu tư và nỗ lực không ngừng nghỉ từ nhiều phía. Kết quả của năm đầu tiên cho thấy cần phải điều chỉnh kế hoạch để đạt được mục tiêu cuối cùng, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, 3 bộ lực có liên quan đến thị trường bất động sản đã có hiệu lực, đặc biệt Luật Nhà ở 2023 đã có nhiều điểm được tháo gỡ mới, giúp cho việc phát triển nhà ở xã hội được diễn ra suôn sẻ hơn.
Tuy nhiên, là những quy định mới nên các chính sách này cần thời gian để có thể ngấm được vào trong đời sống thực tế.
Hơn nữa, môi trường đầu tư vào nhà ở xã hội hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, khiến các doanh nghiệp gặp phải vô vàn khó khăn. Vòng xoáy thủ tục hành chính phức tạp, cùng với gánh nặng tài chính và lợi nhuận thấp ( từ 7% - 8%) đã khiến nhiều doanh nghiệp chùn bước.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở xã hội mà còn làm hạn chế sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Để giải quyết vấn đề này, cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội.
Biện pháp để hoàn thành đề án 1 triệu nhà ở xã hội
Các biện pháp để thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, để hoàn thành đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, trước tiên các địa phương cần chuẩn bị và chủ động tìm kiếm một lượng lớn quỹ đất sạch để có thể thúc đẩy tốc độ triển khai dự án.
Đối với thủ tục pháp lý, cần tinh gon, đơn giản hóa để rút ngắn quy trình đầu tư. Kiến nghị xây dựng một quỹ hỗ trợ ổn định, lâu dài để hỗ trợ vốn cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Ngoài ra, để các gói vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội đi được đường dài thì ngân hàng cũng phải có lợi nhuận để duy trì. Trong trường hợp này, Nhà nước có thể xem xét, nghiên cứu cách bù lãi suất cho ngân hàng để các đơn vị này có thể cho vay với lãi suất ưu đãi hơn trong việc phát triển và mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, chương trình tín dụng lên tới 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cũng có thể đề xuất Chính phủ triển khai thêm gói ưu đãi tín dụng lên đến 100.000 tỉ đồng. Số tiền này từ nguồn vốn phát hành trái phiếu để người mua, thuê mua nhà ở xã hội và cả chủ đầu tư được tiếp cận nguồn vay ưu đãi.
Chuyên gia cho rằng, trong năm 2025, tốc độ phát triển nhà ở sẽ tăng lên đáng kể những không có quá nhiều sự bứt phá mạnh mẽ. Một phần chậm lại là do quá trình chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý còn mất quá nhiều thời gian.
Dự báo, đến năm 2026 - 2027 thì tốc độ phát triển dự án nhà ở xã hội mới có thể đạt được mục tiêu mà Chính phủ, các cấp ban ngành và các địa phương đề ra.