Nguồn cung nhà ở xã hội tăng, giá chung cư có thực sự giảm?

04/03/2025 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh

Nguồn cung nhà ở xã hội năm 2025 tăng

Từ đầu năm nay, nhiều dự án nhà ở xã hội ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Ninh,...đã được “ra hàng”, mang đến diện mạo mới cho thị trường bất động sản. Mức giá cho các căn hộ đa dạng, phù hợp với từng đối tượng khách hàng, dao động trong mức từ 285 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ căn.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng rất quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025. Động thái này là câu trả lời rõ ràng, dứt khoát cho “bài toán” đáp ứng nhu cầu an cư, lập nghiệp của người thu nhập thấp và công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Mục tiêu hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025

Mục tiêu hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025

Chẳng hạn như tại Hà Nội, hết năm 2025, dự kiến sẽ có 11 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, tương đương với 6.000 căn hộ và 345.000 mét vuông sàn xây dựng. 

Bên cạnh đó, 72 dự án đầu tư xây dựng nhà ở được Thành phố đã phê duyệt. 8/72 dự án là nhà ở xã hội với tổng số 1.583 căn. Các dự án đều tập trung tại những quận, huyện đông dân, có tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng: Hoàng Mai, Long Biên và Thường Tín.

Tại TP. HCM, mục tiêu hoàn thành 70.000 căn nhà ở xã hội được đặt ra đến hết năm 2030. Song song, để phát triển quỹ đất cho phân khúc nhà ở xã hội, các thủ tục hành chính liên quan đang được cải tiến, tinh gọn để thúc đẩy nhanh tiến độ của dự án.

Chính Phủ cũng đã có những động thái nhất định liên quan đến việc thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 444 về việc giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cho các địa phương trong năm nay và giai đoạn đến 2030.

Số lượng dự án hoàn thành được bổ sung và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tổng số căn nhà ở xã hội mà các địa phương phải hoàn thành đến hết 2030 là 995.445 căn.

Trong đó, Hà Nội được giao 56.200 căn hộ nhưng mới chỉ hoàn thành 11.334 căn, còn thiếu 44.866 căn hộ. TP. HCM giao 69.700 căn, số căn hoàn thành 2.745 căn, còn 66.995 căn phải hoàn thiện từ nay đến năm 2030.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, kéo theo lượng công nhân lao động lớn cũng được giao chỉ tiêu về nhà ở xã hội như: Bình Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh,... Thế nhưng, nguồn cung nhà ở xã hội tăng vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, chỉ bằng 1/5 so với số người có nhu cầu về nhà ở tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM tăng lên mỗi năm.

“Cơn sốt” chung cư liệu còn tồn tại?

Liệu chung cư có

Liệu chung cư có "ngừng sốt" nếu nhà ở xã hội tăng

Bên cạnh việc nguồn cung nhà ở xã hội tăng sẽ giúp giải quyết bài toán an cư cho người lao động, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, liệu phân khúc chung cư có “giảm nhiệt” trong năm 2025 hay không?

Nhận định về xu hướng này, chuyên gia nêu ý kiến, từ cuối năm 2024 đến nay, lượt tìm kiếm chung cư tiếp tục đi lên. Đây cũng là minh chứng rõ nhất cho việc thị trường căn hộ vẫn chưa “hạ nhiệt”. Nhiều người mua vẫn luôn kỳ vọng giá nhà có thể giảm trong khi nhu cầu sở hữu nhà ở vẫn luôn tăng. Vì vậy, giá căn hộ khó giảm sâu.

Thực tế, thị trường bất động sản được “lấp đầy” bởi hàng trăm căn nhà ở xã hội không làm thay đổi cục diện thị trường. Bởi, thời gian để thực hiện quy trình triển khai, xét duyệt đối tượng đủ điều kiện mua hay chuẩn bị thủ tục pháp lý vẫn còn dài. Hơn nữa, mỗi phân khúc bất động sản lại phục vụ nhóm khách hàng khác nhau. Cũng giống như hàng ăn, sẽ có nhà hàng cao cấp 5 sao hay quán bình dân vỉa hè.

Dữ liệu từ các nền tảng tư vấn bất động sản trực tuyến cho thấy, lượng quan tâm tới sản phẩm chung cư Hà Nội đang dần phục hồi, tiếp cận đỉnh giá trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu nhu cầu còn duy trì, thì giá vẫn sẽ neo cao.

Mặt khác, nguồn cung nhà ở xã hội tăng mạnh nhưng vẫn tồn tại những hạn chế, lo ngại. Cụ thể, tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội còn khắt khe, quy trình xét duyệt phức tạp, tốn thời gian trong việc xác minh điều kiện. Các đối tượng đầu cơ cũng tận dụng, tranh thủ để chuyển nhượng trái phép hoặc mua đi bán lại cho các đối tượng không thuộc diện ưu tiên, làm giảm cơ hội tiếp cận nhà ở của những người có nhu cầu thực sự.

Nhìn chung, việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội là một trong những tín hiệu tích cực của thị trường, giải quyết bài toán an cư cho người lao động thu nhập thấp. 

Tuy nhiên, để thị trường thực sự ổn định, kéo theo giá chung cư giảm, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần sử dụng những biện pháp đồng bộ, hiệu quả hơn: đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo đối tượng mua nhà, kiểm soát - ngăn chặn tình trạng đầu cơ,...

Chia sẻ bài viết:
0 Nhận xét