“Cá mập” đi “săn” nhà giá ngộp cuối năm, đánh thẳng vào tâm lý của người bán
27/07/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh
Xu hướng của nhà đầu tư
Theo như khảo sát của chúng tôi thì hiện nay các nhà đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh đang “cắm cọc” theo dõi, chờ sản phẩm bất động sản giá “ngộp”. Các nhà đầu tư đã xây dựng một mạng lưới môi giới sâu rộng để khảo sát các khu vực cần bán và mức giá chung của từng địa phương.
Không chỉ dừng lại ở vậy, sau khi tìm được lô đất hoặc căn nhà ưng ý, họ sẽ bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về người bán. Mọi thông tin như khối tài sản, nợ ngân hàng, tín dụng, khả năng “gồng lãi” đều được người mua khai thác.
Nhóm đầu tư cũng kiểm tra chéo thông tin và có sự so sánh về chỉ số giá so với các sản phẩm khác trong khu vực,...để xác định mức giá bán đã “ngộp” thật chưa hay chỉ là chiêu trò để câu khách.
Và vì đã là “đi săn” thế nên nhà đầu tư chỉ thật sự xuống tiền khi mua được sản phẩm có giá tốt nhất.
Bất động sản "ngộp" là gì?
Những “cộng tác viên” môi giới cho biết, nhiều nhóm khách thương lượng trực tiếp với người bán nhưng lại không vội “chốt” để xuống tiền. Nếu chủ nhà không đồng ý, nhóm đầu tư sẽ im lặng và theo sát tình hình, chờ người bán không thể “gánh” nổi lãi nữa và giao dịch theo mức giá họ mong muốn.
Theo ý kiến của môi giới thì những thương vụ này có khi thành công, có khi bị người bán từ chối thẳng thừng do họ có thể tự xoay sở được tài chính.
Khảo sát ý kiến của nhà đầu tư đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, “cá mập” này cho rằng, vào thời điểm giữa năm 2023, các bất động sản giảm giá từ 20% - 40% so với mức giá mua còn khá nhiều. Đến đầu năm 2024, thì mặt hàng “ngon ăn” này đã vơi dần.
Tuy nhiên nếu chăm chỉ và kiên trì thì nhà đầu tư vẫn còn thể tìm thấy những mặt hàng bất động sản với mức bán ra giảm giá sâu, thậm chí là lên tới 50%. Thời điểm của các giao dịch này thường kéo dài, đòi hỏi người mua phải theo sát tình hình và lựa chọn xuống tiền vào thời điểm phù hợp.
Mặt hàng “ngộp” giá này đa phần là của chủ nhân đang vướng nợ ngân hàng. Thông thường khoản nợ của họ khá cao, từ 60% - 70% và không thể có khả năng “gồng” lãi, trả nợ ngân hàng. Họ “vội” bán tháo tài sản để hoàn về dòng tiền ban đầu.
Bất động sản được gắn mác "ngộp" nhưng chưa chắc đã có mức giá tốt
Các chuyên gia cho rằng bên cạnh nhóm đầu tư “đi săn” nhà đất, nắm bắt được thông tin thị trường thì một bộ phận nhà đầu tư cũng đang cố gắng trả lãi từng ngày.
Thế nên, người mua thường dùng đòn tâm lý để ép giá người bán. Nhiều nhà đầu tư còn tự tin cho rằng đến cuối năm nay, thị trường vẫn sẽ còn một lượng lớn hàng giảm giá sâu được bán ra thị trường.
Nhóm nhà đầu tư này thường là những người có sẵn tài chính, nguồn tiền rảnh rỗi lớn, họ theo sát và tìm hiểu hàng “ngộp giá” từ khá lâu.
Trong bối cảnh “mười người bán, một người mua” như hiện nay, họ vẫn tiếp tục “cưỡi ngựa xem hoa”, dạo chơi trên thị trường để chờ cơ hội. Do vừa có lợi thế về tài chính, lại không bị áp lực về thời gian nên người mua có thể chọn lọc kỹ càng và ép giá bên bán.
Giao dịch chỉ được xác lập thành công khi nó thỏa mãn mọi tiêu chí mà bên mua đề ra.
Ý kiến của chuyên gia
Theo các chuyên gia thì càng về cuối năm, các doanh nghiệp hay những chủ nhân bất động sản sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn: đáo hạn nợ, kết toán khoản vay, hoặc trả lương thưởng cho người lao động nên sẽ bán tháo bất động sản.
Mức giá được dự đoán còn giảm nữa. Trong khi đó dòng tiền của nhà đầu tư săn hàng “ngộp” thuộc nhóm nhàn rỗi, chỉ nhắm vào những tài sản vay ngân hàng tỷ lệ cao để dễ giằng co, ép giá.
Với sự xuất hiện của các bộ luật liên quan, chuyên gia mong rằng thị trường sẽ có diễn biến tích cực. Tuy nhiên vẫn cần thời gian để chính sách được “ngấm” và đi vào cuộc sống người dân.
Cân nhắc kỹ giữa ưu điểm và nhược điểm của việc mua bất động sản giá "ngộp"
Các tín hiệu tích cực vẫn đang còn xuất hiện cục bộ, chưa đồng đều và thực sự mạnh mẽ nên thị trường “xả hàng” tồn kho và “săn hàng” giá “ngộp” vẫn sẽ giằng co nhau quyết liệt, dẫn tới nợ xấu bất động sản khó xử lý.
Hơn nữa, dù sở hữu dòng tiền nhàn rỗi nhưng các nhóm đầu tư cũng nên cân nhắc thật kỹ trước khi xuống tiền, bởi nếu mua nhà/đất giá quá rẻ mà lại ít người “mặn mà” thì chắc chắn sản phẩm có vấn đề.
Các vấn đề thường gặp phải như: tranh chấp đất đai, nhà đất dính quy hoạch,...hoặc bất động sản gặp các vấn đề liên quan tới phong thủy.
Nhóm đầu tư cũng nên sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ phù hợp giữa mức thu nhập hiện tại và tương lai, xác định tầm nhìn đầu tư trung hạn hoặc dài hạn, tránh trạng thái đầu tư "lướt sóng", "ăn xổi ở thì".
Chính vì vậy mà dù là săn hàng “ngộp” nhưng nhóm đầu tư vẫn nên chuẩn bị và kiểm tra thật kỹ để mua về một sản phẩm có giá trị khai thác trong tương lai.