Đánh thuế bất động sản thứ 2: Bài toán để không đánh thuế nhầm đối tượng, gây công bằng xã hội

08/10/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh

Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2

Theo báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang có kế hoạch nghiên cứu và đề xuất một chính sách thuế mới. Mục tiêu của chính sách này là nhằm vào những cá nhân sở hữu nhiều nhà, đất. Bằng cách này, Bộ Xây dựng hy vọng sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại bất động sản trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Việc đánh thuế bất động sản thứ 2 đã được xem xét từ lâu. Cách đây hơn một năm, TP.HCM đã có đề xuất cụ thể trong quá trình soạn thảo Nghị quyết, đó là áp dụng thuế đối với nhà, đất mà người sở hữu không sử dụng để ở. 

Khi TP.HCM đề xuất thí điểm đánh thuế nhà, đất thứ hai, Bộ Tài chính đã đồng ý với việc điều tiết thị trường bằng cách này. Tuy nhiên, Bộ cũng nêu rõ rằng việc xác định đối tượng chịu thuế và mức thuế phù hợp là rất phức tạp do giá trị nhà, đất rất đa dạng. Có thể xảy ra trường hợp nhà, đất giá trị thấp phải chịu thuế trong khi nhà, đất giá trị cao lại được miễn thuế.

Đánh thuế bất động sản thứ 2 có thực sự phù hợp với thị trường hiện nay?

Đánh thuế bất động sản thứ 2 có thực sự phù hợp với thị trường hiện nay?

Chẳng hạn như trong thực tế có thể xảy ra tình huốn đó là người sở hữu một căn biệt thự, diện tích đất ở rộng lớn đắt đỏ sẽ không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào. Trong khi đó, một gia đình có hai căn hộ chung cư nhỏ để ở và cho thuê lại phải chịu thuế cao. Điều này sẽ tạo ra sự không công bằng trong xã hội.

Chính sách thuế được kỳ vọng sẽ giúp điều tiết thị trường bất động sản, giảm tình trạng đầu cơ tích trữ, nhưng với cách áp dụng như vậy, mục tiêu này sẽ khó đạt được. Như Bộ Tài chính đã chỉ ra, chính sách thuế cần phải đảm bảo tính công bằng xã hội và hiệu quả trong việc điều tiết thu nhập của những người sở hữu nhiều bất động sản hoặc bất động sản có giá trị lớn.

Bộ Tài chính đã chỉ ra rằng việc áp dụng thuế đối với nhà, đất ở thứ hai tại thời điểm hiện tại còn nhiều bất cập. Hệ thống quản lý đất đai và bất động sản của Việt Nam chủ yếu dựa trên giấy tờ, thủ tục hành chính còn nhiều rườm rà. Việc xác định chính xác số lượng nhà, đất mà một cá nhân hoặc tổ chức sở hữu là vô cùng khó khăn.

Bên cạnh đó, việc khai báo thuế và kiểm tra, đối chiếu thông tin giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý khác cũng gặp nhiều vướng mắc. Điều này tạo điều kiện cho người nộp thuế dễ dàng trốn thuế bằng cách chia nhỏ sở hữu, cho người khác đứng tên hoặc khai báo không đúng giá trị tài sản.

Nhận định của chuyên gia về việc đánh thuế bất động sản thứ 2 

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, việc áp thuế bất động sản thứ hai chỉ nên được xem xét sử dụng khi người mua có những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Ngược lại người mua căn nhà thứ 2, thứ 3 nếu như có nhu cầu thực hoặc đem lại giá trị cho xã hội thì nên được tạo điều kiện và khuyến khích. 

Chuyên gia đã lấy ví dụ về việc các gia đình có bố mẹ muốn đầu tư bất động sản cho con cái của của mình với giá trị phù hợp. Trong thời gian chưa sử dụng, chủ nhà có nhu cầu cho thuê để ở hoặc kinh doanh. Khi đó nhà ở được chuyển đổi mục đích thành các cơ sở ý tế hoặc nhà trẻ, siêu thị mini,...có mặt tại những khu vực đang cần phát triển cơ sở hạ tầng.

Đây là động thái chính đáng và nên được hỗ trợ vì tạo ra điều kiện phát triển cho dịch vụ thiết yếu, có lợi cho xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trên góc độ là người mua nhà, khách hàng cho rằng họ phải cố gắng trong một thời gian dài, thậm chí là cả đời để tích cóp, mua nhà cho con cháu. Mục đích này hoàn toàn trong sáng và phần thu nhập cũng không dư dả để có thể đầu cơ dù đã sở hữu bất động sản thứ hai.

Vì vậy nếu đánh thuế bất động sản thứ 2 trong trường hợp này liệu có đang tạo áp lực vô hình lên chính những người mua có nhu cầu thực hay không?

Người mua hoặc người thuê là những đối tượng dễ chịu ảnh hưởng của chính sách thuế nhất

Người mua hoặc người thuê là những đối tượng dễ chịu ảnh hưởng của chính sách thuế với BĐS thứ 2

Một số ý kiến khác của chuyên gia cho rằng, việc này sẽ dẫn tới tình trạng thuế chồng thuế nếu chính sách được áp dụng. Hiện nay, người mua nhà đất phải đóng tiền sử dụng đất một lần. Tuy nhiên nếu đánh thuế nhà đất, hàng năm nhưng vẫn thu tiền sử dụng một lần sẽ khiến người mua phải gồng thêm áp lực tài chính.

Không những vậy, những đối tượng đầu cơ hoặc người có điều kiện kinh tế lại sẵn sàng lách luật bằng cách chuyển quyền sở hữu tài sản cho người thân của mình.

Đặc biệt, việc đánh thuế bất động sản thứ 2 có thể khiến giá nhà đất tăng lên nhanh chóng. Chi phí thuế sẽ cộng vào giá thành sản phẩm và đối tượng phải chịu khoản phí này chính là người mua sau cùng. Khi ấy, giấc mơ an cư lạc nghiệp, sở hữu nhà ở của người dân sẽ càng trở nên xa vời.

Để có thực hiện hiệu quả quy định này, gắn liền với thực tế, Chính Phủ cần xác định mục đích đánh thuế tài sản đối với những sản phẩm không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, để giảm thiểu đầu tư không đúng đắn, hạn chế trục lợi đầu tư.

Các chuyên gia nhấn mạnh, đánh thuế tài sản không thể hạ giá bất động sản được. Bởi lẽ, thời điểm hiện tại, giá bất động sản đã tăng cao, trong khi nguồn cung lại ít hơn so với nhu cầu thực tế của người dân. Nguồn cung đã ít lại thêm đánh thuế bất động sản cao thì người bán sẽ độn thêm vào chi phí giá bán.

Nói tóm lại, đánh thuế bất động sản thứ 2 là một trong những phương án cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi được áp dụng trong thị trường thực tế. Bởi trên thực tế, với đại đa số người nhân, ngôi nhà vẫn là tài sản tích lũy cả đời. Và không ít gia định phải nỗ lực rất nhiều để sở hữu bất động sản thứ hai cho con. 

Do vậy, nếu đánh thêm thuế với những người mua có mục đích chính đáng như vậy thì sẽ làm cho cuộc sống của họ thêm phần khó khăn. Chính phủ có thể xem xét phương án tính toán đánh thuế dựa trên diện tích, giá trị sản phẩm thực tế thay vì dựa trên số lượng như trên. 

Chia sẻ bài viết:
0 Nhận xét