Hệ lụy khó lường từ việc giá bất động sản còn tiếp tục tăng cao, doanh nghiệp bất động sản sụp đổ
29/11/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh
Nguồn cung tăng mà giá nhà vẫn tăng
Theo các chuyên gia, nếu như nguồn cung bất động sản tăng mà giá vẫn tăng là nghịch lý cần được chú ý và theo dõi trong bối cảnh thị trường hiện nay. Một phần giá bán bất động sản tăng là do biến động khi áp dụng phương pháp tính giá đất và bảng giá mới.
Phần còn lại do nguồn cung bất động sản tuy có cải thiện nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho đa phần người dân, các đối tượng thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Đặc biệt là tại các khu đô thị, thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Mặc dù luật mới đã được ban hành và có hiệu lực cách đây 3 tháng thế nhưng vẫn cần có thời gian để quy định của các bộ luật này “thẩm thấu” vào đời sống, triển khai thực hiện có kết quả.
Đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, các cấp chính quyền đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang bị “treo”.
Các dự án tiếp tục triển khai góp phần tăng thêm nguồn cung mới cho thị trường bất động sản. Từ đầu năm đến nay, ghi nhận quỹ nhà ở đã tăng thêm khoảng 40.000 sản phẩm mới được các chủ đầu tư mở bán.
Nguồn cung tăng nhưng giá nhà không giảm mà thậm chí còn tăng
Theo quy luật thông thường, khi nguồn cung tăng lên thì giá bán sẽ giảm. Nhưng hiện nay, thị trường đang tồn tại nghịch lý, dù cung tăng nhưng giá vẫn không giảm, ngược lại thậm chí còn tăng cao.
Thực tếm tuy nguồn cung được cải thiện nhưng chưa đủ. Hơn nữa, các sản phẩm được mở bán đa phần thuộc phân khúc cao cấp, dòng tiền đầu tư lại bị dồn nén quá lâu, dẫn tới giá tăng mạnh.
Phân tích cụ thể nhóm chi phí hình thành nên giá của sản phẩm bất động sản thì giá đất chiếm tỷ trọng lớn nhất. Khi thay đổi về định giá đất, tất yếu sẽ khiến giá đất tăng lên, kéo theo giá nhà tăng. Đây là cơ hội để các cá nhân, tổ chức lợi dụng sự nhạy cảm của thị trường để đầu cơ, đẩy giá.
Những địa phương đã áp dụng bảng giá đất mới, tiệm cận hơn với giá của thị trường sẽ tác động mạnh mẽ tới giá đất nói riêng, bất động sản nói chung bị đẩy lên cao. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, giá nhà chắc chắn sẽ vượt khỏi khả năng của đại đa số người mua, lượng giao dịch cũng chững lại.
Cần can thiệp sớm trước khi giá bất động sản tiếp tục “leo thang”
Theo các chuyên gia, bài toán lớn nhất hiện nay cần giải quyết đó chính là giá bán bất động sản. Lĩnh vực bất động sản đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi chiếm đến 17% GDP cả nước. Đồng thời, bất động sản cũng có mối liên kết chặt chẽ với các ngành nghề khác.
Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan ban ngành cần phải thực sự quan tâm, tháo gỡ những vướng mắc để bình ổn giá bất động sản trên thị trường.
Giá nhà cao quá thì ai sẽ là người mua, trong khi đối tượng chủ yếu mua nhà là những người lao động muốn tìm nơi sinh sống ổn định để an cư lập nghiệp. Thậm chỉ có căn chung cư lên tới 500 triệu đồng/m2 - điều này là quá phi lý.
Sẽ thế nào khi giá bất động sản vượt quá mức chấp nhận của thị trường?
Chỉ ra các nguyên nhân chính khiến cho giá bất động sản tăng cao, chuyên gia khẳng định là do phương pháp định giá đất hiện nay.
Chỉ trong vòng 6 tháng, khác nhau về thời điểm định giá, đất nền đã tăng giá gấp đôi. Nhiều dự án đã hoàn thiện nhưng do chờ định giá đất nên chưa thể đưa ra thị trường. Thậm chí, do “tắc” về định giá đất, khâu đầu tư của các dự án cũng bị chậm trễ.
Một vấn đề nghiêm trọng khác được các chuyên gia nhấn mạnh đó chính là giá thành bất động sản tại Việt Nam cao hơn so với trong khu vực. Sự can thiệp kịp thời từ các cơ quan chức năng cùng với hệ thống quy định pháp luật sẽ giúp kìm hãm được sự “leo thang” không có điểm dừng về giá.
Nếu để giá cả tiếp tục tăng, không lộ trình, không kế hoạch sẽ thì lượng người đủ điều kiện và sẵn sàng để mua ngày càng thấp, doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ.