UBND thành phố Hà Nội “khai tử” 150 dự án, hàng loạt sản phẩm “treo” tiếp tục được gia hạn
11/07/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh
Hà Nội tiến hành thu hồi đất, bãi bỏ 153 dự án
Sau khi tiếp nhận, triển khai theo Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 04 năm 2022 của HĐND thành phố trong việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý dự án có vốn ngân sách nhà có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, UBND thành phố Hà Nội đã thu về những kết quả nhất định.
Dự kiến, kết quả chỉ đạo lũy kế tới hết tháng 6 năm 2024 có 705/712 dự án, tương đương gần 99% với tổng diện tích là 11.300ha sẽ có kết quả kiểm tra, thanh tra.
Sau đó, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo xử lý, giao các cơ quan có thẩm quyền giám sát, đảm bảo đẩy nhanh tốc độ đầu tư để đưa đất vào sử dụng có hiệu quả.
Số còn lại là 7/712 dự án, chiếm 1%, tương đương 88.5 ha đất dù đã có quyết định chủ trương nhưng vẫn chưa được Nhà nước giao đất hay cho thuê.
Xử lý dự án chậm triển khai góp phần thúc đẩy sự phát triển nhà ở bền vững trong đô thị
UBND giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực rà soát, thiết kế phương án xử lý kịp thời.
Đối với 410/712 dự án được “cởi trói” - khoảng 9.000 ha đất xóa khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát bởi các cơ quan có thẩm quyền. Số lượng dự án chuyển sang nhóm gia hạn tăng 80 công trình so với kỳ cuối năm 2023 là 330 sản phẩm.
Kết quả cụ thể bao gồm:
- 12 dự án được đề nghị xóa tên khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đã báo cáo nhưng chưa có ý kiến của UBND thành phố.
- 155 dự án sau khi kiểm tra, thanh tra thì chủ đầu tư đã chủ động khắc phục, giải quyết vướng mắc, từ đó được đưa ra khỏi danh sách đơn vị đang chậm triển khai.
- 9 dự án được UBND thành phố có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền liên quan tới thực trạng và giải pháp thực hiện dự án nhà ở thương mại. Vướng mắc pháp lý tháo gỡ thông qua thỏa thuận về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Đặc biệt, 153 dự án đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch.
Dự án bị thu hồi đất nằm tại phía Tây Hà Nội
Đối với 256 dự án tương đương 2.200 ha trước đó đã được chỉ đạo thực hiện kiểm tra, giám sát và đôn đốc hậu kiểm sau thời gian gia hạn 2 năm do nguyên nhân bất khả kháng là dịch bệnh Covid 19.
Trong đó, có 110 dự án, 330 ha đất chậm tiến độ, chưa đưa vào sử dụng, được UBND thành phố gia hạn thêm 24 tháng. Đồng thời chủ đầu tư phải nộp thêm cho nhà nước khoản tiền sử dụng đất, tiền thuê tương ứng.
Một số dự án nổi bật như: Khu chung cư quốc tế Booyoung Việt Nam (Hà Đông); dự án Bệnh viện Nam Cường (Hà Đông) và dự án tại khu B thuộc khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông) của Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường; dự án khu đô thị mới tại lô đất N1+N3 thuộc khu đô thị Quốc Oai (Quốc Oai) của CTCP Tập đoàn C.E.O…
Còn lại 185 dự án với 1.900 ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, UBND TP giao các Sở ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện giám sát, tiếp tục đôn đốc thực hiện đối với từng dự án.
Thanh tra, kiểm tra 117 dự án có dấu hiệu “ôm đất”
Không chỉ dừng lại ở con số 712 dự án, UBND thành phố Hà Nội cùng UBND cấp dưới đang tiếp tục rà soát cả những dự án chậm tiến độ, triển khai trên địa bàn nằm ngoài danh sách để thu hồi đất.
Qua đó, tiến hành đề nghị xử lý 117 dự án khác. Đối với số lượng dự án này, UBND thành phố đã có văn bản giao các Sở liên quan để chủ trì kiểm tra, thanh tra và xử lý tận gốc.
- 60/117 dự án chưa có quyết định giao, cho thuê hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
- 57/117 dự án đã có quyết định giao, cho thuê hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Các dự án có dấu hiệu "ôm đất" tại Hà Nội
Các dự án chưa có quyết định nằm rải rác tại các quận huyện như: Hoài Đức (3 dự án), Nam Từ Liêm (12 dự án), Bắc Từ Liêm (6 dự án), Sóc Sơn (9 dự án), Đống Đa (1 dự án), Thanh Xuân (2 dự án), Hà Đông (12 dự án), Hoàng Mai (6 dự án), Thạch Thất (19 dự án), Phúc Thọ (1 dự án).
Hay như tại Đan Phượng (1 dự án), Cầu Giấy (1 dự án), Thanh Oai (2 dự án), Quốc Oai (1 dự án), Ba Vì (6 dự án), Thanh Trì (6 dự án), Gia Lâm (1 dự án), Mỹ Đức (1 dự án), Tây Hồ (3 dự án), Long Biên (24 dự án).
Có 10 quận, huyện, thị xã không có dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm gồm: Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín, Ba Đình, Chương Mỹ, Ứng Hoà, Hai Bà Trưng, Phú Xuyên, Hoàn Kiếm, Sơn Tây.
Với nỗ lực thắt chặt quy định, kiểm tra nghiêm ngặt tiến độ triển khai, xây dựng của các dự án trên địa bàn, UBND thành phố mong rằng sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững, ổn định của thị trường BĐS Hà Nội.
Đồng thời tạo nguồn cung chất lượng, mang tới cho người dân cơ hội được “an cư lập nghiệp” tại thủ đô của cả nước.