Sau giao dịch nhà đất giá cao, người bán “ôm” tiền tỷ mà vẫn không mua được nhà mới
08/08/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh
Giao dịch nhà đất - Giá nhà “nhảy múa” chóng mặt
Vào khoảng năm 2019, sau khi tiết kiệm được một khoản tiền tầm 2 tỷ, cộng thêm vay mượn của người thân, vợ chồng chị H đã quyết định mua một căn nhà 4 tầng, có diện tích 35m2 tại Thanh Xuân, Hà Nội.
Sang đến đầu năm 2024, cùng với sự “nhảy múa” của thị trường, bất động sản trong khu nhà anh chị tăng vọt. Lại thấy gia đình hàng xóm “chốt” bán căn nhà 40m2 với giá hơn 5 tỷ đồng nên anh chị cũng muốn giao dịch để đổi sang nhà ở có vị trí thuận lợi hơn.
Đơn vị môi giới rao bán căn nhà với tầm giá khoảng 5.5 tỷ đồng, gấp đôi so với thời điểm mới mua.
Người bán vô cùng phấn khởi vì giao dịch nhà đất được mức giá hời như vậy. Sau khi bán xong, gia chủ quyết định sẽ rút thêm 2 tỷ tiền tiết kiệm, mua một căn nhà trong khoảng tầm 7.5 tỷ đồng tại mặt đường lớn để kinh doanh thêm.
Chỉ sau 1 tháng đăng bán, căn nhà của gia chủ đã được “chốt” ngay với mức giá thu về sau khi trừ hết chi phí cho môi giới là hơn 5.3 tỷ đồng. Khoảng thời gian chờ thủ tục pháp lý là lúc vợ chồng chị H “ráo riết” đi tìm căn nhà mới cho gia đình mình.
Tuy diện tích căn nhà cũ nhỏ hơn, nhưng vị trí đẹp, nằm tại mặt đường lớn, xây dựng khang trang. Tưởng chừng như mọi thứ sẽ tốt đẹp cho đến ngày đặt cọc, chủ nhân ngôi nhà bỗng “quay xe” đòi thêm 300 triệu đồng.
Người mua - người bán đổi vai liên tục, giao dịch nhà đất nhiều biến động
Đang từ vị trí người bán, “đổi vai” thành người mua, bị các gia chủ khác “xoay như chong chóng”, vợ chồng chị H vô cùng bức xúc. Họ quyết định không giao dịch nhà đất nữa và “nhích” tầm tài chính lên 8 tỷ để tìm sản phẩm ưng ý hơn.
Cuộc hành trình tìm kiếm ngôi nhà mới của chị H và chồng gặp vô vàn trắc trở. Dù đã dành nhiều thời gian và công sức, họ vẫn chưa tìm được căn nhà nào đáp ứng đủ tiêu chí.
Thậm chí, nhiều căn nhà có chất lượng còn kém hơn cả ngôi nhà cũ của họ nhưng giá lại bị đẩy lên quá cao. Cuối cùng, vợ chồng chị đành phải thuê tạm một căn hộ nhỏ với giá 6 triệu đồng/tháng và gửi tiền vào ngân hàng.
Xu hướng tăng giá của giao dịch nhà đất
Người bán sau khi bán nhà đều không thể nghĩ rằng việc tìm nhà mới lại khó khăn tới vậy. Chi phí chênh lệch khi giao dịch nhà đất cao, nhưng mặt bằng chung cũng tăng theo càng khiến họ bối rối.
Theo thống kê mới nhất của Onehousing, giá đất nhà trong ngõ đã tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, với mức tăng bình quân từ 2,9% đến 8% mỗi năm kể từ năm 2020. Đến quý 1/2024, giá đất tại các khu vực trung tâm đã đạt mức cao kỷ lục, lên tới 170 triệu đồng/m2. Còn tại các khu vực ngoại thành, mức giá trung bình cũng đã đạt 100 triệu đồng/m2.
Thị trường nhà đất Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2024 đã chứng kiến sự biến động đáng kể. Cụ thể, tổng lượng giao dịch nhà đất nền đạt 22.000 căn, trong đó tháng 4 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, sang tháng 5 và 6, lượng giao dịch có xu hướng giảm dần. Dù vậy, con số giao dịch trung bình 3.700 căn/tháng trong hai tháng cuối quý 2 vẫn cao hơn so với các tháng đầu năm.
Khu Tây và Đông Hà Nội đã trở thành "chiến trường" chính của thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2024. Cả hai khu vực này đã "chiếm" đến 66% thị phần. Trong đó, khu Tây đã "vượt mặt" khu Đông để giành ngôi vị số một với 9.000 giao dịch nhà đất, tương đương 40% thị phần. Khu Đông cũng đạt được thành tích đáng kể với 6.000 giao dịch, chiếm 26% thị phần.
Bất động sản nói chung, thị trường đất nền Hà Nội đang nóng lên từng ngày
Thị trường đất nền Hà Nội đã "nóng" lên rõ rệt trong quý 2 với lượng mua bán tăng đột biến, đạt 13.000 căn. Khu Đông đã trở thành "điểm nóng" khi đóng góp hơn một nửa vào sự tăng trưởng này. Với đà tăng trưởng như hiện nay, dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường đất nền sẽ còn "sốt" hơn nữa, đặc biệt là tại khu vực phía Đông và Tây.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giao dịch nhà thổ cư trong ngõ tăng là do phân khúc đất nền luôn được đánh giá là hợp với chân dung những khách hàng truyền thống, thích ăn chắc mặc bền. Tệp khách này thuộc nhóm đã tiết kiệm được một số tiền rảnh rỗi lớn và muốn đầu tư vào một phân khúc ổn định, tiềm năng.
Khi đầu tư vào nhà đất thổ cư, khách hàng thường ít phải đối mặt với những rủi ro hệ thống như các sản phẩm bất động sản khác.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và tính thanh khoản của tài sản, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như vị trí, hạ tầng và an ninh của khu vực.
Việc lựa chọn những ngôi nhà nằm trong ngõ quá sâu, quá hẹp có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro như khó khăn trong việc di chuyển, đặc biệt trong trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ.
Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn và tiện ích xung quanh cũng cần được quan tâm.