Cá nhân, doanh nghiệp sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước sẽ bị thu hồi đất
15/08/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh
Thu hồi đất với người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước
Theo quy định của Luật Đất đai 2024, việc người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là bị thu hồi đất.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2024, có hiệu lực từ ngày 01/08, nhằm quy định chi tiết và cụ thể các điều khoản liên quan đến Luật Đất đai 2024.
Theo Nghị định, người sử dụng đất bị coi là vi phạm nghĩa vụ tài chính khi không chịu nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dù đã bị cơ quan nhà nước yêu cầu thực hiện. Hậu quả là họ có thể bị thu hồi đất.
Quy định nghiêm ngặt về việc thu hồi đất đối với những người không thực hiện nghĩa vụ tài chính
Khi phát hiện người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo và hồ sơ liên quan đến cơ quan quản lý đất đai để tiến hành thủ tục thu hồi đất.
Đồng thời trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm được thực hiện triển khai theo quy định.
Việc thu hồi đất đối với các hành vi vi phạm không thuộc diện xử phạt hành chính chỉ được thực hiện sau khi có kết luận chính thức từ cơ quan thanh tra, kiểm tra xác nhận việc thu hồi là cần thiết.
Trong trường hợp người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính, số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản trên đất sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ thuế đất và các chi phí liên quan. Chỉ khi nào đã thanh toán xong các khoản nợ này, số tiền còn lại mới được hoàn trả cho chủ sở hữu tài sản.
Quyết định thu hồi dự án “ôm đất” chậm tiến độ
Tuy nhiên, việc thu hồi đất không chỉ giới hạn ở những trường hợp người sử dụng đất trốn nộp thuế. Theo Điều 81 của Luật Đất đai 2024, có nhiều hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khác có thể dẫn đến việc thu hồi đất.
Căn cứ theo quy định của Luật đất đai, việc sử dụng đất không đúng mục đích sau khi đã bị xử phạt hành chính là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý bằng hình thức thu hồi đất.
Để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất và khai thác tối đa tiềm năng của đất đai, pháp luật quy định thời hạn sử dụng đất tối thiểu đối với từng loại đất. Nếu để đất bỏ hoang quá thời hạn cho phép và đã bị xử phạt mà không khắc phục, việc thu hồi đất là điều tất yếu.
Điều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho người sử dụng đất mà còn ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Do đó, người dân cần có ý thức sử dụng đất đúng mục đích, khai thác hợp lý để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Nâng cao trách nhiệm của người, đơn vị sử dụng đất
Theo quy định của pháp luật, đất sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau: giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; nhận chuyển nhượng, tặng cho đất từ người không có quyền chuyển nhượng, tặng cho; để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất.
Đất được giao để thực hiện dự án đầu tư nhưng lại để hoang phí, không sử dụng trong vòng 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ so với kế hoạch đã cam kết sẽ bị thu hồi.
Trong trường hợp dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư có quyền được gia hạn thời gian sử dụng đất không quá 24 tháng, tuy nhiên phải nộp thêm tiền sử dụng đất cho Nhà nước cho phần thời gian được gia hạn.
Việc không sử dụng đất sau khi hết hạn gia hạn sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là bị thu hồi toàn bộ tài sản liên quan mà không được bồi thường.
Đây là một trong những thay đổi có tính cốt lõi, quan trọng, thúc đẩy trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, doanh nghiệp sử dụng đất nói chung.
Từ đó, các dự án khi đưa thị trường sẽ phải đầy đủ giấy tờ thủ tục pháp lý, người mua sẽ được tiếp cận với sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của bản thân.