Giá nhà phố cổ Hà Nội rao bán “cắt cổ”, mỗi m2 mua được hẳn một căn chung cư 2 ngủ
04/09/2024 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh
Giá nhà tại phố cổ
Được biết đến là tuyến phố có truyền thống, văn hóa, lịch sử lâu đời, phố cổ Hà Nội luôn là điểm dừng chân của bạn bè trong nước và quốc tế. Các dịch vụ buôn bán, thương mại tại đây cũng hết sức nhộn nhịp khi phần lớn chủ nhà đều không có nhu cầu bán ra hoặc chuyển đổi mô hình sử dụng.
Thế nhưng hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trực tiếp có phần trầm lắng hơn. Hàng loạt căn nhà tại những tuyến phố này đang được rao bán với mức giá lên đến hàng tỷ đồng, khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Theo khảo sát trên các trang bất động sản uy tín, mổ căn nhà tại khu vực phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến (thuộc quận Hoàn Kiếm) đang được rao bán với mức 800 triệu - 1.2 tỷ đồng/m2.
Chẳng hạn như một căn nhà nằm tại mặt phố Tạ Hiện, đang kinh doanh dịch vụ ăn uống, tiếp đón chủ yếu là khách Tây, chủ nhà rao bán mức giá là 230 tỷ đồng cho diện tích khoảng hơn 180m2, xấp xỉ 1.3 tỷ đồng/m2.
Hay như căn nhà có vị trí nằm tại lô góc của phố Lương Ngọc Quyến, chủ nhà rao bán gần 1.1 tỷ đồng/m2 cho sản phẩm có diện tích 51m2, được xây dựng 3 tầng, tương đương khoảng 54 tỷ.
Ngoài ra, tại phố Tràng Thi, giá nhà dao động trong khoảng từ 900 triệu - 1.4 tỷ đồng/m2. Những sản phẩm có “view” hồ Gươm còn có thể lên tới 1.8 tỷ đồng/m2.
Nhiều người bán cho rằng, họ chỉ tính tiền đất vào giá bán, chứ không tính tiền nhà vì nhà đã quá cũ. Thế nhưng nếu phân tích ra, một căn hộ 90m2 được rao bán 170 tỷ đồng, tức 1.88 tỷ đồng/m2 thì liệu tiền đất có quá đắt không?
Những căn nhà rao bán tại phố Hàng Đào
Đáng chú ý, ở nhiều con phố khác, giá nhà còn được rao bán từ mức 2 tỷ - 2.4 tỷ đồng/m2 như ở: Ấu Triệu, Hàng Bông, Hàng Đào. Ví dụ như, theo lời người bán, chúng tôi tìm được một căn nhà chỉ rộng vỏn vẹn 29m2 thế nhưng lại được rao bán lên tới gần 70 tỷ đồng, khoảng 2.4 tỷ cho mỗi mét vuông đất.
Chủ nhà cho rằng, đây là sản phẩm “hiếm có khó tìm”, bởi nó vừa sở hữu trọn vẹn tầm nhìn ra hồ Hoàn Kiếm lại có thể sử dụng để kinh doanh, mang về dòng tiền lên tới 120 triệu đồng/tháng.
Hay như một văn nhà khác nằm tại phố Lý Thái Tổ, diện tích chỉ 30m2, đã được xây dựng 4 tầng khang trang, chủ nhà rao bán khoảng 75 tỷ, tương đương với 2.5 tỷ đồng/m2. Thế nhưng, đây vẫn chưa phải là kỷ lục giá nhà khu phố cổ.
Vào cuối năm 2021, một căn nhà tại Đinh Tiên Hoàng, có diện tích 270m2, được chủ nhà rao bán mức giá lên tới 1.000 tỷ đồng, khoảng 3.7 tỷ đồng/m2.
Nếu nhìn nhận lại thì dù mức giá nhà tại đây chưa chạm đỉnh nhưng nó vẫn ngang ngửa với các sản phẩm chung cư 2 phòng ngủ trên địa bàn Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì,...
Nhận định của chuyên gia bất động sản về giá nhà phố cổ
Giá cao nhưng khó thanh khoản vì giá trị lớn - đây là nhận định của chuyên gia về mặt hàng nhà ở tại phố cổ Hà Nội. Đa phần người sở hữu bất động sản khu phố cổ đều không dùng để ở mà cho thuê nhằm kinh doanh khách sạn, cửa hàng.
Đất phố cổ khá hạn chế về diện tích và mang đặc trưng văn hóa, lịch sử nên giá luôn neo ở mức cao.
Mặt khác, các chuyên gia lại không đánh giá cao về tính thanh khoản của loại hình này bởi giá trị nguyên bản vốn dĩ đã rất lớn, nên khả năng thanh khoản sẽ thấp.
Để sở hữu được bất động sản tại đây, nhà đầu tư cần một số tiền lớn, nguồn năng lực tài chính vững vàng. Việc kinh doanh trực tiếp cũng ngày càng khó khăn hơn trước nên người mua phải cân nhắc, tính toán thật kỹ trước khi xuống tiền.
Các căn nhà phố cổ được chuyên gia đánh giá có tính thanh khoản không cao
Ông Lê Đình Chung - Phó tổng giám đốc SGO Land cho rằng, sau dịch Covid 19, thị trường thương mại điện tử đã bùng nổ mạnh mẽ.
Kéo theo đó là việc kinh doanh trực tiếp ngày càng khó khăn, kém hiệu quả, nhiều mặt bằng bị trả lại. Tình hình cho thuê ngay cả tại những con phố sầm uất trước kia cũng trở nên ảm đạm khiến nhiều người phải “gấp rút” trả lại mặt bằng.
Thói quen buôn bán của người dân đã khác trước rất nhiều, không còn phụ thuộc vào mặt bằng đẹp mà chuyển sang nền tảng trực tuyến. Từ đó, khiến cho giá nhà thuê cũng giảm đi rất nhiều, lượng người bán ra ồ ạt tăng.
Nghịch lý đó là gia nhà phố vẫn tăng từng ngày, thậm chí có khu vực đã tăng khoảng 50% trong vòng 3 năm.
Vậy câu hỏi là tại sao giá nhà phố, đặc biệt tại khu vực phố cổ vẫn tăng? Ông Lê Đình Chung đã trả lời câu hỏi này bằng cách đưa ra thực trạng nguồn cung nhà ở khan hiếm hiện nay. Nhiều chủ nhà đã “mượn” lý do chính đáng này để tăng giá rao bán. Trên thực tế, giá rao bán phải được thị trường chấp thuận thì mới có thể xác lập mốc giá chung mới.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, về lâu về dài, giá nhà vẫn sẽ tiếp tục tăng, nhưng biên độ không lớn, ít có sự biến động.
Một số chuyên gia khác lại cho rằng, chủ nhà rao bán giá cao là do kỳ vọng và cảm tính chủ quan của họ. Chính vì vậy mà người mua cần cẩn thận trước khi giao dịch, bởi có thể mức giá chính xác sẽ thấp hơn nhiều so với con số mà chủ nhà đưa ra.
Nhìn nhận chung lại thì việc tăng giá nhà phố, đặc biệt là tại khu vực phố cổ cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thuộc phân khúc này. Cả người mua và người bán đều biết rằng, quỹ đất thủ đô đang ngày càng hạn hẹp, đất trung tâm lại càng khó kiếm hơn.
Và khi nhu cầu vẫn luôn tăng, luôn hiện hữu ở đó mà nguồn cung không có thêm thì câu chuyên tăng giá là điều hiển nhiên.