Giá thuê bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã tăng 70% trong nửa đầu năm 2025
09/07/2025 - Nguyễn Ngọc Hoàng Linh
Trong nửa đầu năm 2025, giá thuê bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã tăng 70% so với thời điểm 2019. Thế nhưng mức giá vẫn được cho là khác cạnh tranh và hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực. Hiện nay, giá thuê bất động sản công nghiệp tại Hà Nội đạt khoảng 5.3 USD/m2/ tháng, tại TP. HCM đạt mức 4.9 USD/m2/tháng.Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng
Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế là một trong những điểm đến đầu tư công nghiệp và logistics hấp dẫn nhất toàn cầu nhờ vào chi phí cạnh tranh vượt trội. Ba yếu tố then chốt góp phần tạo nên lợi thế này bao gồm giá thuê bất động sản, chi phí lao động và năng lượng.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, sự ổn định về chính sách, cùng với nguồn nhân lực dồi dào và chi phí năng lượng hợp lý đã tạo nên một môi trường đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp sản xuất và logistics quốc tế. Điều này không chỉ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà còn thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những năm gần đây, nhu cầu thuê bất động sản có bước tăng mạnh do nguồn cung hạn chế đã đẩy giá bất động sản tại nhiều khu vực lên cao, thậm chí nhiều địa phương còn ghi nhận giá cho thuê kỷ lục, tăng gấp 2 lần chỉ trong vòng 5 năm.
Giá thuê bất động sản công nghiệp tại Việt Nam
Cụ thể, thị trường toàn cầu đang chứng kiến những biến động đáng kể về giá thuê, với mức tăng trung bình 41% so với cuối năm 2019. Theo ghi nhận, Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu xu hướng này với mức tăng lên tới 57%.
Tại khu vực châu Mỹ, sau giai đoạn giảm vào năm 2020, giá thuê đã phục hồi mạnh mẽ từ năm 2021 đến 2023, dù một số khu vực lại chứng kiến sự sụt giảm trở lại trong năm 2024.
Khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, hiện cao hơn trung bình 38% so với năm 2019. Các quốc gia như Anh, Cộng hòa Séc, Hà Lan và Na Uy đều cho thấy mức tăng mạnh.
Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ nổi bật với mức tăng lên đến 90%, chủ yếu do ảnh hưởng của tình hình lạm phát cao, đạt đỉnh 85,5% vào tháng 10/2022 và vẫn ở mức 38,1% vào tháng 3/2025.
Trong khi đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến mức tăng trung bình 25% so với năm 2019, song có sự phân hóa rõ rệt. Úc và Việt Nam dẫn đầu khu vực với mức tăng trên 70%, phản ánh sức hút của các thị trường này đối với đầu tư công nghiệp.
Ngược lại, các thị trường như Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc đại lục không có nhiều biến động đáng kể về giá thuê.
Với những lợi thế cạnh tranh về chi phí, Việt Nam đang trở thành lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư muốn tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Giá thuê bất động sản công nghiệp tại Việt Nam thu hút nhà đầu tư
Mức giá thuê bất động sản công nghiệp tại Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Theo đó, giá thuê trung bình tại Hà Nội đang đạt khoảng 5.3 USD/m2/tháng, tại TP. HCM có giá 4.9 USD/m2/tháng.
Ngoài ra, hoạt động logistics và sản xuất vẫn phụ thuộc đáng kể vào yếu tố con người. Với nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công hợp lý, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn lựa chọn Việt Nam là điểm đặt cơ sở và chiến lược vận hành của mình.
Nếu tính chi phí lao động hiện nay tại Việt Nam thì chỉ bằng khoảng 1/4 mức lương trung vị toàn cầu. Điều này đã đưa Việt Nam lọt vào top những quốc gia có chi phí nhân công thấp nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hệ thống nhà xưởng hiện đại với trang thiết bị hiện đại giúp các nhà đầu tư tối ưu hóa chi phí vận hành
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng điện năng trong các kho vận hiện đại đang gia tăng mạnh mẽ do sự phát triển của hệ thống tự động hóa, quản lý thông minh, thiết bị xử lý vật liệu tiên tiến và xu hướng điện khí hóa phương tiện vận chuyển. Điều này đã nâng tầm chi phí vận hành thành một yếu tố then chốt trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp.
Việt Nam nổi bật như một lựa chọn hàng đầu nhờ chi phí điện năng cho sản xuất công nghiệp thuộc nhóm thấp nhất toàn cầu, chỉ cao hơn Indonesia và Nigeria.
Sự cộng hưởng của ba yếu tố chi phí cốt lõi – giá thuê bất động sản, chi phí lao động và điện năng – đã giúp Việt Nam định vị là một tọa độ đầu tư chiến lược trên bản đồ công nghiệp toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và logistics.
Thêm vào đó, Việt Nam đang hưởng lợi từ các xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu như chiến lược "China+1" (đa dạng hóa sản xuất ngoài Trung Quốc) và "nearshoring" (chuyển sản xuất đến gần thị trường tiêu thụ). Những xu hướng này giúp giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một khu vực địa lý duy nhất và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm quỹ đất, hợp tác với các nhà phát triển trong nước hoặc thuê lại các tài sản hiện có để nhanh chóng triển khai hoạt động.
Tuy nhiên, để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, tìm nguồn cung và phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược bất động sản phù hợp, gắn liền với mục tiêu vận hành dài hạn.
